Chủ nhật, 19/05/2024, 12:07[GMT+7]

Đột phá phát triển kinh tế biển Kỳ 3: Xây dựng hạ tầng đồng bộ

Thứ 4, 08/12/2021 | 08:04:06
4,157 lượt xem
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển tỉnh Thái Bình tiếp tục được tăng cường, đầu tư đồng bộ. Tỉnh đã tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Hạ tầng giao thông tại khu công nghiệp Liên Hà Thái đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình với quy mô 30.583ha, bao gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải; đồng thời, cho phép tỉnh được thực hiện quy hoạch và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Thái Bình có 5 khu chức năng chính: trung tâm điện lực (853ha); các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp (8.020ha); khu cảng biển và các khu bến (khoảng 500ha); các khu du lịch và dịch vụ tập trung (3.110ha); các đô thị; các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp tập trung. 

Để Khu kinh tế sớm đi vào hoạt động, Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối khu vực ven biển đã được đầu tư, triển khai; tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp ven biển. Trong đó, tỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; với tổng nhu cầu vốn đầu tư gần 10.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Thái Bình cũng đã có chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình. Tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tuyến đường là 2.516 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.500 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt, hiện nay dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng giá trị khối lượng nhà đầu tư đã thực hiện gần 1.250 tỷ đồng, đạt 34,8%; trong đó giá trị xây lắp đã hoàn thành khoảng 1.000 tỷ đồng.

Quy hoạch và triển khai xây dựng các tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh nhằm tạo ra hạ tầng giao thông kết nối, đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tại Khu kinh tế phát triển. Ngoài ra, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp và hệ thống giao thông kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình như xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Tiền Hải... Khu kinh tế Thái Bình hiện đã có một số khu chức năng đang hoạt động với các công trình trọng điểm lớn như Trung tâm điện lực Thái Bình có 2 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 1.800MW, cung cấp khoảng 10,8 tỷ kWh/năm; dự án dẫn khí từ biển vào bờ, đang khai thác với sản lượng 200 triệu m3 khí/năm; Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Nhà máy Amoniac; cảng Diêm Điền... Đây là nguồn cung năng lượng tại chỗ mà ít có khu kinh tế nào có được. 

Hệ thống điện tại huyện Tiền Hải được đầu tư đồng bộ, cung cấp điện ổn định cho các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển còn nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển được thực hiện tốt, cùng với việc điều chỉnh, bổ sung các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, đô thị ven biển. Với khoảng 52km bờ biển, hàng chục nghìn km2 vùng lãnh hải cũng là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản phát triển. Nhằm đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản, ngoài 4 cảng cá, bến cá hiện có, dự án xây dựng cảng cá Thụy Tân (xã An Tân, huyện Thái Thụy) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt chiếc tàu/ngày ra, vào cảng, loại tàu lớn nhất có khả năng cập cảng là 400CV, lượng thủy sản qua cảng đạt 15.000 tấn/năm. Cảng cá Thụy Tân dự kiến triển khai xây dựng từ năm 2021 - 2025, tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng sẽ tạo động lực, nâng cao hiệu quả phát triển khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ; giảm tổn thất sau thu hoạch khai thác hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển.

Hạ tầng đồng bộ góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình đang mở ra cơ hội cho tỉnh bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và hình thành một khu kinh tế hiện đại, hiệu quả bậc nhất. Đặc biệt, thời gian qua Thái Bình đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ đó đưa Thái Bình có những bước tiến rõ rệt, trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

(còn nữa)  
Mạnh Thắng - Lưu Ngần