Chủ nhật, 05/05/2024, 13:36[GMT+7]

Khơi thông nguồn vốn tín dụng tạo đà tăng trưởng kinh tế

Thứ 2, 14/02/2022 | 08:34:53
10,051 lượt xem
Năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố với mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,68% so với năm 2020. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của ngành ngân hàng đã tích cực khơi thông nguồn vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn giúp người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo đà đưa kinh tế của tỉnh phát triển.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý. Ảnh: Thành Tâm

Tín dụng tăng trưởng khá

Nằm trong tốp các tổ chức tín dụng (TCTD) có tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao, năm 2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Bình (SHB Thái Bình) đạt mức tăng trưởng 17% (tương ứng với mức tăng 152 tỷ đồng) so với năm 2020 với tổng dư nợ cho vay đạt 1.073 tỷ đồng. 

Ông Lại Quang Dũng, Giám đốc SHB Thái Bình cho biết: Để góp phần đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, SHB Thái Bình tích cực triển khai các giải pháp kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế, tích cực mở rộng đầu tư tín dụng, ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả...

Mặc dù mới có mặt tại thị trường Thái Bình hơn 8 năm nhưng Chi nhánh rất tích cực, chủ động tìm kiếm khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định đối với khách hàng vay vốn, đồng thời có cơ chế khen thưởng kịp thời cán bộ, nhân viên hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kinh doanh được giao. Tại Chi nhánh đến nay có hơn 600 khách hàng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 60%.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (Vietinbank Thái Bình), đến hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 16% so với năm 2020 với dư nợ cho vay đạt gần 11.200 tỷ đồng, chiếm 14,86% thị phần đầu tư tín dụng của các TCTD trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh hoạt động gặp nhiều khó khăn, các TCTD trong toàn ngành tích cực triển khai các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành. Đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ cho vay của các TCTD đạt 75.162 tỷ đồng, tăng 15,1% so với thời điểm 31/12/2020, cao hơn 2,13% so với tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc; trong đó, cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 17,9%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29,1% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 53% tổng dư nợ cho vay. Nhiều chương trình trọng tâm, trọng điểm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được các TCTD tập trung cho vay như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ đạt 28.390 tỷ đồng, tăng 14,2% so với thời điểm 31/12/2020, chiếm 37,8% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với tổng dư nợ đạt 1.560 tỷ đồng; cho vay các chương trình nước sạch nông thôn với tổng dư nợ đạt 1.289 tỷ đồng; cho vay tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 5.316 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn... Ngoài ra, các TCTD còn kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay giảm 1,2% so với thời điểm cuối năm 2020.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng

Không chỉ khơi thông nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng còn đi đầu trong nhóm ngành kinh tế triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng khôi phục và duy trì sản xuất, kinh doanh. Cùng với chủ động ban hành các văn bản triển khai tới các TCTD trên địa bàn để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tích cực sử dụng công nghệ số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Thực hiện Thông tư số 01, Thông tư số 03 và Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng giá trị nợ lũy kế cả gốc và lãi 1.552 tỷ đồng, dư nợ hơn 830 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 13.160 khách hàng với tổng giá trị nợ lũy kế 2.590 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn, giảm hơn 3 tỷ đồng; thực hiện cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng với lãi suất thấp hơn khoảng 2%/năm so với trước khi có dịch, doanh số cho vay đạt 56.290 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND với dư nợ có mức lãi suất cho vay dưới 10%/năm chiếm tới 93% tổng dư nợ cho vay; giảm phí dịch vụ thanh toán khoảng 30 - 50% đối với các giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Thực hiện Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã giải ngân cho vay 7 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho người lao động với doanh số cho vay hơn 1,1 tỷ đồng, lãi suất cho vay 0%.

Nguồn vốn vay từ Quỹ Tín dụng nhân dân Hồng Việt (Đông Hưng) giúp nông dân xã Hồng Việt phát triển mô hình trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao.

Cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 bằng những hành động và giải pháp thiết thực, hiệu quả, ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng đáp ứng kịp thời nguồn lực để kinh tế tăng trưởng, từ đó đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Minh Hương