Chủ nhật, 28/07/2024, 01:30[GMT+7]

Nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cựu chiến binh phát triển kinh tế

Thứ 4, 20/04/2022 | 08:18:17
1,663 lượt xem
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ hội viên vay vốn tín chấp để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình của CCB Nguyễn Quốc Việt (người bên trái) thôn Trung Lang, xã Nam Hải (Tiền Hải) tạo việc làm cho 4 lao động chính và nhiều lao động thời vụ.

Trước đây, gia đình chị Trần Thị Hạnh, thôn Đắc Chúng Trung, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) nhiều năm liền là hộ nghèo của xã. Từ khi được Hội CCB xã ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để mua cây bưởi giống, cá giống về nuôi trồng, gia đình chị đã có thêm nguồn thu nhập. 

Chị Hạnh cho biết: Kinh tế gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào 2 sào ruộng nên rất khó khăn. Từ khi được vay vốn, tôi đầu tư trồng 15 cây bưởi giống, mua các loại cá truyền thống về thả. Với mô hình này, tôi thu về từ 30 - 50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, gia đình đã tự nguyện làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã vào năm 2019. Tôi rất cảm ơn Hội CCB xã đã tạo điều kiện cho những gia đình hội viên CCB như chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp, yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo ông Phạm Văn Cảm, Chủ tịch Hội CCB xã Quốc Tuấn: Hội CCB xã xác định giúp đỡ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của từng chi hội. Toàn Hội hiện có 135 hộ gia đình hội viên làm kinh tế trang trại, gia trại. Hội CCB xã duy trì hoạt động thường xuyên của 2 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 60 hội viên tiếp cận vốn vay với tổng dư nợ hiện nay là hơn 1,7 tỷ đồng. Cơ bản hội viên CCB và thân nhân CCB khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả, đã có nhiều người thoát nghèo nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp. Để không xảy ra tình trạng nợ đọng, nợ quá hạn, các chi hội CCB làm tốt công tác bình xét đối tượng vay vốn bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định; thường xuyên cử hội viên trẻ, nhiệt tình với công tác hội tham gia tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, từ đó chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên khác. Chính vì thế, qua thực hiện phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, toàn hội có 6 hội viên, thân nhân hội viên thoát nghèo. Tỷ lệ hội viên nghèo năm 2017 là 4,95%, đến cuối năm 2021 giảm còn 1,01%, đời sống hội viên ngày càng được cải thiện và nâng lên.

Tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), Hội CCB xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 1,9 tỷ đồng cho 44 hội viên vay phát triển sản xuất. Toàn hội có 11 hội viên xây dựng trang trại, 24 gia đình hội viên làm gia trại, 31 hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, 89 hộ phát triển ngành nghề kinh doanh, thương mại dịch vụ tạo việc làm cho hàng chục lao động trong, ngoài địa phương. 

Ông Nguyễn Ngọc Bùi, Chủ tịch Hội CCB xã Quỳnh Hoa cho biết: Không cam chịu đói nghèo, nhiều CCB mặc dù mang trong mình thương tật nhưng vẫn mạnh dạn vay vốn tín chấp để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tiêu biểu như: CCB Vũ Như Khoa, thôn Đà Thôn hiện nuôi 11 con trâu, 9 con bò và các loại cá truyền thống, trừ chi phí ông thu về gần 300 triệu đồng/năm. Mô hình của CCB Nguyễn Thị Thao, thôn Bái Trang nuôi 11 con bò 3B, bò Brahman thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hội viên khá, giàu toàn xã hiện nay chiếm trên 75%, không còn hội viên nghèo.

Ông Bùi Quốc Phòng, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh chia sẻ: Trên cơ sở nội dung ủy thác, hội CCB các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, vì vậy nhiều hội viên đã xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti để phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, hội CCB cơ sở đã tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội khác làm tốt công tác xác định đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của ngân hàng để việc bình xét đối tượng vay vốn bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định, công khai và dân chủ.

Hiện nay, Hội CCB tỉnh quản lý 430 tổ tiết kiệm và vay vốn với 12.295 khách hàng, tổng dư nợ đạt hơn 468,6 tỷ đồng, tăng 25,2 tỷ đồng so với tháng 12/2020. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, hội CCB các cấp đã tổ chức 253 cuộc kiểm tra, giám sát, qua đó đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại ở cơ sở. Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1.562 lượt cán bộ hội, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định, lưu trữ hồ sơ vay vốn. Nhờ làm tốt nhiệm vụ ủy thác vay vốn nên nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hội viên nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,33%.

Có thể khẳng định, vai trò của hội CCB trong việc hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế là rất quan trọng. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ tích cực động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phấn đấu 100% tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng; nhân rộng những cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả để hội viên CCB học tập, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình hội viên.  


Tiến Đạt