Thứ 7, 18/05/2024, 18:03[GMT+7]

Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ở Vũ Thư

Thứ 2, 27/06/2022 | 08:31:58
1,016 lượt xem
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện Vũ Thư triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực. Đặc biệt trên lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài trồng cây cảnh, gia đình ông Nguyễn Như Tuấn, thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận còn có 2.000m2 ao nuôi cá Koi và một số loại cá khác.

Toàn bộ diện tích hơn 3.600m2 đất trồng cây ăn quả của gia đình anh Trần Văn Ngọc, thôn Phú Lễ, xã Tự Tân trước đây vốn là khu vực ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Anh Ngọc đã mạnh dạn mua lại đất của các hộ trong khu vực, sau đó cải tạo để trồng ổi Đài Loan. Anh cho biết: Đây là giống ổi da sần, ít hạt, ăn rất giòn và ngọt. Cây rất dễ chăm sóc và cho sản lượng lớn. Hiện nay, tôi có hơn 300 gốc ổi cho thu hoạch quanh năm với sản lượng khoảng trên 20 tấn/năm, thu về khoảng 240 triệu đồng. Do ổi ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên thương lái tới mua tận vườn. Mỗi năm anh Ngọc còn thu về hàng chục triệu đồng từ bán giống cây ổi. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 300 chậu quất cảnh và nuôi ốc bươu giống cho thu nhập mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng. Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Vân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tự Tân: Mô hình của gia đình anh Ngọc là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của địa phương trong tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình của gia đình anh Ngọc và một số mô hình “Dân vận khéo” mà địa phương đã xây dựng về phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình. Trong những năm qua xã có thêm nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả với hàng chục mô hình trang trại, gia trại tổng hợp; 47ha đầm, ao nuôi trồng thủy sản hiệu quả; hàng chục hộ trồng quất cảnh ở thôn Phú Lễ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển qua đó nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập trung bình của người dân trong xã đạt gần 48 triệu đồng/người/năm.

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Bách Thuận đã xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế vườn. Là một trong những nhà vườn tiêu biểu của địa phương, hiện nay toàn bộ cây cảnh trong vườn của gia đình ông Nguyễn Như Tuấn, thôn Toàn Thắng được định giá có giá trị hàng chục tỷ đồng. Ông chia sẻ: Để có được vườn cây quy mô, giá trị như hiện nay, gia đình đã đầu tư rất nhiều của cải, tâm huyết. Cùng là trồng hoa, cây cảnh song tôi lựa chọn các loại cây cảnh thuộc phân khúc cao cấp là hướng đi của mình, trong đó tập trung vào một số loại cây chủ yếu như: xanh cổ, mộc hương, trà, mẫu đơn, nhài cổ 3 lá, tùng la hán… Phần lớn các cây trong vườn đều được tôi sưu tầm, tìm mua ở nhiều nơi dựa trên các tiêu chí “cổ, kỳ, quái” thì giá trị của cây mới cao, sau đó mang về trồng và tạo dáng. Ngoài hơn 5.000m2 vườn trồng cây cảnh, ông Tuấn còn có 2.000m2 ao nuôi cá Koi tạo không gian thoáng đãng, thư thái cho ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi do ông cất công mua về phục dựng. Đồng chí Trịnh Văn Môn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bách Thuận cho biết: Toàn xã hiện có 5 nhà vườn tiêu biểu, trong đó có nhà vườn của ông Tuấn được công nhận là nhà vườn tiêu biểu cấp quốc gia. Địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình nhà vườn tiêu biểu nhằm hướng đến khai thác, phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mỗi năm các địa phương trên địa bàn huyện Vũ Thư đã đăng ký thực hiện hàng chục mô hình dân vận khéo, trong đó phần lớn là các mô hình về phát triển kinh tế. Bám sát chủ trương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện, thời gian qua, các địa phương đã chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trên lĩnh vực này. Tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ toàn huyện đạt trên 790ha. Sau tích tụ, đối với các hộ sản xuất lúa đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư đồng bộ máy móc cơ giới hóa để sản xuất lúa theo chuỗi liên kết có bao tiêu sản phẩm, nhờ đó năng suất lao động tăng, chi phí đầu tư giảm. Nhiều diện tích tích tụ được chuyển đổi sang chăn nuôi, phát triển thủy sản, trồng cây màu, cây cảnh, cây ăn quả, góp phần nâng giá trị sản xuất cao gấp 2 - 5 lần so với cấy lúa. Đặc biệt, nhờ tích tụ ruộng đất hiệu quả, toàn huyện đã khôi phục sản xuất trên 200ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nâng cao thu nhập cho nông dân và khai thác triệt để tài nguyên đất. Ngoài tập trung vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, các mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện thời gian qua còn tập trung vào tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của huyện.

Mỗi năm gia đình anh Trần Văn Ngọc, thôn Phú Lễ, xã Tự Tân thu hoạch trên 20 tấn ổi, thu về khoảng 240 triệu đồng.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày