Thứ 7, 10/08/2024, 10:29[GMT+7]

Đã có khoảng 6,5 triệu lượt ý kiến người dân góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ 2, 27/04/2015 | 18:46:53
696 lượt xem
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chia sẻ thông tin trên tại chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 26/4, xung quanh việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.

 

Bộ luật dân sự là đạo luật quan trọng, được gọi là luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh nhiều mặt quan hệ xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

 

Ngày 25/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

 

Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 2/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

 

Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 05 tháng 01 năm 2015 và kết thúc vào ngày 05 tháng 4 năm 2015.

 

Đã có khoảng 6,5 triệu lượt ý kiến người dân góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

 

Trước ý kiến băn khoăn của người dân không biết các ý kiến góp ý của mình về Bộ luật dân sự (sửa đổi) có đến được Bộ trưởng Bộ Tư pháp hay không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã kết thúc vào ngày 5/4. Mặc dù thời gian lấy ý kiến trùng vào đợt nghỉ Tết kéo dài và công tác triển khai nhiệm vụ năm mới thường rất bận rộn, nhưng thực sự đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả nước. Tính tới ngày 22/4/2015, Bộ Tư pháp đã nhận được khoảng 6,5 triệu lượt ý kiến của người dân tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

 

Về ý kiến của vị khán giả góp ý có tới được Bộ trưởng hay không, Bộ trưởng cho biết: Báo cáo tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân đối với Bộ luật dân sự đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, đề nghị mọi người theo dõi xem ý kiến của mình đã đến được với Bộ Tư pháp hay chưa; nếu chưa thì xin phản ánh với chúng tôi qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp hoặc với chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”.

 

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự của dân

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết: Trong 10 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến lần này về Bộ luật dân sự (sửa đổi), thật khó để cân đong đo đếm xem trong 10 vấn đề Chính phủ xin ý kiến thì vấn đề nào được người dân tập trung nhất! Chỉ có thể nói tổng quát là, đa số ý kiến tán thành và đánh giá cao những nội dung mang tính đổi mới, cải cách của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

 

Đi vào chi tiết, người dân rất quan tâm tới quy định mới của dự thảo Bộ luật về trách nhiệm của Tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền dân sự của họ. Bộ luật hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án phải thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân, kể cả khi chưa có quy định của pháp luật; Bộ luật cũng không quy định rõ trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật thì phải áp dụng tập quán hoặc áp dụng quy định tương tự của pháp luật như thế nào. Để khắc phục bất cập này của Bộ luật dân sự hiện hành, đồng thời cụ thể hóa tinh thần và quy định mới của Hiến pháp 2013 xác định sứ mệnh của Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước phải là chỗ dựa công lý của người dân, dự thảo Bộ luật bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự của dân vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì phải căn cứ vào tập quán, quy định tương tự của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng và án lệ để xem xét, giải quyết.

 

Hiện nay việc khởi kiện của người dân chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (còn gọi là thời hiệu khởi kiện), sau khoảng thời gian đó người dân sẽ không còn quyền khởi kiện của mình. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân bởi cho rằng quy định như vậy vô hình chung đã hạn chế quyền lợi của người dân.

 

Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề rất chuyên môn và cũng rất thực tiễn với người dân, đồng thời cũng là một trong 10 vấn đề Chính phủ xin ý kiến nhân dân.

 

Bộ luật dân sự hiện hành quy định 03 loại thời hiệu, trong đó có thời hiệu khởi kiện. Đó là thời hạn mà cá nhân, tổ chức được quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ, việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; hết thời hạn đó mà họ chưa khởi kiện thì mất quyền khởi kiện.

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, quy định như vậy đúng là thuận lợi cho Tòa án, cho Nhà nước, nhưng không bảo vệ rốt ráo đến cùng đối với quyền lợi của người dân. Vì thế có những trường hợp người dân phải ”tự xử” với nhau, vừa thiếu văn minh, lại có việc dẫn đến gây mất trật tự, an toàn xã hội. Để khắc phục hạn chế nêu trên, dự thảo Bộ luật lần này không quy định về thời hiệu khởi kiện. Nếu được Quốc hội chấp nhận, sau này bất cứ thời điểm nào người dân khởi kiện thì Tòa án đều phải thụ lý, giải quyết./.

 

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày