Thứ 7, 20/04/2024, 20:31[GMT+7]

Bắc Giang: Tập trung xây dựng Nông thôn mới ở các xã khó khăn

Thứ 4, 16/11/2022 | 19:27:59
1,357 lượt xem
Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong tỉnh. Tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế đặc thù, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững tại vùng còn nhiều khó khăn.

Nhà văn hóa thôn Phe, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vừa khánh thành đưa vào sử dụng.

Thành quả bước đầu

Đến xã Bình Sơn (Lục Nam), phóng viên dễ dàng cảm nhận sự đổi thay trên khắp các ngõ xóm, gia đình. Dọc tuyến đường nhựa mới được đầu tư từ Tỉnh lộ 293 vào trung tâm xã, nhiều ngôi nhà cao tầng đang được xây mới. Hàng loạt công trình phòng học, nhà văn hóa ở các thôn cũng được nhà thầu gấp rút hoàn thiện.

Còn nhớ hơn chục năm trước, có dịp đến địa phương này, ai cũng ái ngại bởi tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã là đường đất, nhỏ hẹp, mặt đường lởm chởm đá và bụi cuốn mù mịt… Đến trung tâm xã đã vậy, đường về các thôn còn gian nan gấp bội do phần lớn là các lối mòn, nhiều đoạn xe máy phải chật vật mới có thể di chuyển.

Ông Lý Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Chưa khi nào phong trào xây dựng NTM ở Bình Sơn sôi nổi như hiện nay, nhất là từ khi địa phương được giao hoàn thành các tiêu chí trong năm nay. Từ các nguồn vốn, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện 5 tiêu chí còn lại, trong đó điểm nhấn lớn nhất là 6 phòng học trường mầm non và 4 nhà văn hóa thôn.

Có thể thấy, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã “thổi luồng sinh khí mới” tới các xã đặc biệt khó khăn. Đơn cử tại xã Hộ Đáp (Lục Ngạn), cùng với nguồn hỗ trợ, người dân địa phương đã đóng góp hàng trăm triệu đồng chung tay xây dựng, lắp đặt lò đốt rác thải với tổng mức đầu tư 3,1 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn Cái Cặn và thôn Na Hem...

Hay như tại xã Vân Sơn (Sơn Động), từ địa phương “trắng” về đường giao thông, đến nay 100% đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến các thôn được nhựa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ đường trục thôn, đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt hơn 80%.

Ông Chu Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Vân Sơn chia sẻ: “Trước đây khi nhắc đến thôn Gà, Nà Vàng, nhiều người ái ngại do đường đi khó khăn nhưng nay chỉ chưa đầy 30 phút là có thể đến điểm dân cư xa nhất của xã. Nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Nuôi gà sáu ngón, chim bồ câu tại thôn Nà Vàng; trồng trà hoa vàng, nuôi ong lấy mật tại thôn Gà; trồng cam, cây lâm nghiệp tại các thôn Nà Vàng, Gà, Phe... mang lại nguồn thu lớn cho người dân”.

Ưu tiên nguồn lực cho nơi xuất phát điểm thấp

Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 138 xã đạt chuẩn NTM. Những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các mô hình phát triển kinh tế.

Mặc dù vậy, tại 27 xã đặc biệt khó khăn, bình quân các tiêu chí NTM chỉ đạt 13 tiêu chí/xã, thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh là 16,8 tiêu chí/xã. Cùng đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại các xã này là 13,9%, cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh 5,27%, trong đó huyện Sơn Động bình quân tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 20,05%.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí, UBND tỉnh giao các địa phương xin ý kiến người dân xác định nhiệm vụ, đăng ký kế hoạch cụ thể làm căn cứ giao vốn.

Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung nguồn lực bằng việc lồng ghép các chương trình mục tiêu thực hiện công trình theo quy hoạch xây dựng NTM và tiêu chí NTM ở các xã không có khả năng đối ứng từ ngân sách và khó huy động từ nhân dân để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch để hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí.

Trên tinh thần đó, Huyện ủy Sơn Động ban hành Nghị quyết chuyên đề, xác định xây dựng NTM là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; toàn huyện không còn xã dưới 15 tiêu chí. Hay như để về đích huyện NTM, UBND huyện Lục Nam ưu tiên nguồn lực hỗ trợ 4 xã đặc biệt khó khăn gồm: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn và Vô Tranh về đích trong năm nay.

Từ nguồn vốn của Trung ương, năm nay tỉnh phân phân bổ cho 27 xã đặc biệt khó khăn hơn 60 tỷ đồng (mỗi xã hơn 2,2 tỷ đồng) để thực hiện chương trình. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều dự án, công trình tại khu vực này.

Ông Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nói: “Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, sẽ có khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng thực hiện 10 dự án tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn hợp lý, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho các địa phương có xuất phát điểm thấp, tạo cú hích để thay đổi diện mạo vùng khó khăn”.

Theo baoxaydung.com.vn