Thứ 3, 23/07/2024, 10:24[GMT+7]

Nhà giáo Trần Đình Quý: Cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục

Thứ 5, 17/11/2022 | 18:23:12
682 lượt xem
32 năm công tác là quãng thời gian nhà giáo Trần Đình Quý đã dành cả tâm huyết, sức lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện Tiền Hải. Không chỉ là tấm gương sáng trong công tác lãnh đạo, quản lý, thầy Quý còn là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, chân thành, luôn được các thế hệ thầy cô giáo, đồng nghiệp và học sinh yêu mến.

Nhà giáo Trần Đình Quý chăm sóc cây cảnh tại gia đình.

Ở tuổi 84 nhưng thầy Quý vẫn có sức khỏe tốt và trí nhớ tuyệt vời. Thấy chúng tôi đến, thầy nhanh nhẹn rảo bước chân đón, tươi cười chào mời và kể nhiều câu chuyện về sự nghiệp giáo dục của huyện Tiền Hải. Khi còn công tác trong ngành giáo dục, thầy Trần Đình Quý, nguyên là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) huyện Tiền Hải từ giai đoạn 1978 đến 1991.

Nguyên quán của thầy Quý ở xã Vũ Tây xưa, nay là xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương, nhưng cuộc đời và sự nghiệp lại gắn liền với mảnh đất Tiền Hải. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, thầy được cử về công tác tại trường cấp 2 huyện Tiền Hải. Khi đó, địa điểm của trường ở xã Tây Sơn cũ. Cả huyện có một trường cấp 2 với 430 học sinh. Đến năm 1965, thầy được cử đi học nâng cao chuyên môn ở Liên Xô, nhưng do điều kiện về sức khỏe, thầy Quý đăng ký học tập ở trong nước, trình độ cử nhân toán Đại học Sư phạm Hà Nội I. Ba năm sau, thầy về công tác tại Trường Sư phạm cấp II B Thái Bình. Năm 1971, thầy được điều động về làm nhiệm vụ tại Phòng GD - ĐT huyện Tiền Hải, giữ chức Phó phòng. Năm 1976, thầy tiếp tục học nâng cao trình độ tại Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu 5. Năm 1978, thầy Quý được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng GD - ĐT huyện Tiền Hải. 13 năm trên cương vị Trưởng phòng cũng là thời điểm thầy chứng kiến nhiều sự đổi thay của ngành giáo dục.

Thầy Quý kể: Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giáo dục Tiền Hải gặp muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất nghèo nàn một phần do kinh phí địa phương hạn chế, phần khác do yếu tố tự nhiên của vùng ven biển, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Nhất là cơn bão vào ngày 5/9/1986 đã phá hủy 80% phòng học, 90% nhà ở tập thể của giáo viên. Một khó khăn nữa đó là thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên giảng dạy. Trình độ dân trí của người dân khi đó cũng còn hạn chế. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương xóa mù chữ cho người dân và hoàn thành phổ cập giáo dục cấp I trước năm 1990.

Đứng trước thực trạng đó Phòng GD – ĐT đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện triển khai nhiều giải pháp. Về cơ sở vật chất, UBND huyện đã có chủ trương xây dựng các phòng học; sắm sửa bàn ghế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xã Đông Lâm được chọn làm điểm xây dựng và sau đó phong trào xây dựng trường học, lớp học được lan rộng tại các địa phương trên địa bàn. Về nguồn nhân lực, Tiền Hải đã đề nghị với UBND tỉnh và Trường Sư phạm cấp 1 Thái Bình đào tạo 2 lớp giáo sinh gồm 120 người theo chương trình chính quy trong 2 năm và hoàn thành vào tháng 5/1988. Đội ngũ giáo viên này được phân về 9 xã khu Nam của huyện. Từ đây các lớp bổ túc văn hóa, xóa mù chữ và phổ cập cấp 1 được thành lập. Trường lớp có, giáo viên đã đầy đủ nhưng thực tế khi đó lại đặt ra vấn đề làm sao có người học, người đến trường. Các địa phương tiến hành một cuộc vận động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng còn mù chữ hoặc chưa phổ cập cấp 1” trong các hộ gia đình. Với các giải pháp đồng bộ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, giáo viên và tinh thần học tập của người dân, đến đầu năm 1990, Giáo sư Phạm Minh Hạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ đã về thăm, kiểm tra công tác giáo dục của Tiền Hải và công nhận huyện Tiền Hải đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ cho nhân dân và phổ cập giáo dục cấp I. Tiền Hải đã góp một phần sức lực đưa Thái Bình trở thành một trong hai tỉnh của cả nước hoàn thành chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cấp I.

Cũng theo chia sẻ của thầy Quý, đội ngũ giáo viên khi đó tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngại gian khổ, lăn lộn với cơ sở, bám lớp, bám trường giảng dạy. Ngay như bản thân thầy, ngày nào cũng xuống cơ sở động viên, đồng hành cùng với cán bộ, giáo viên các nhà trường.

Qua những chia sẻ của thầy Quý, chúng tôi cảm nhận được tình yêu với nghề vẫn rực cháy trong thầy. Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, người lái đò thầm lặng Trần Đình Quý và các thế hệ cán bộ, giáo viên đã góp phần đưa phong trào giáo dục của huyện Tiền Hải vượt qua khó khăn và phát triển lên một tầm cao mới. Cá nhân thầy Quý đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

Năm 1991, thầy Quý nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội tại địa phương và từng giữ các chức danh Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, Hội Cựu giáo chức huyện, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Nguyễn Công Trứ.

Thầy Quý chia sẻ thêm: Cứ mỗi năm dịp 20/11, tâm trạng lại bồi hồi, xúc động nhớ về kỷ niệm xưa. Mỗi dịp gặp mặt ngày Nhà giáo Việt Nam, những người làm công tác giáo dục như thầy lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm và truyền cảm hứng yêu nghề cho thế hệ mai sau.

Hồng Thắm
(Đài TT-TH Tiền Hải)