Thứ 7, 27/07/2024, 03:10[GMT+7]

Những giải pháp nổi bật tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật cho học sinh TP HCM

Chủ nhật, 05/02/2023 | 16:48:07
1,589 lượt xem
Robot cứu hộ, thiết bị giao tiếp cho người câm, vật liệu cách nhiệt từ xơ dừa... là các sản phẩm giới thiệu tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật cho học sinh trung học TP HCM.

Sáng 4/2, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức hội thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học năm học 2022-2023 tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5. Cuộc thi thu hút 1.226 dự án của 131 đơn vị, trong đó có 82 trường THPT, 49 trường THCS và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên. Ban tổ chức chọn 52 dự án của 96 học sinh đến từ 25 trường vào chung khảo và tiếp tục chọn 4 sản phẩm đại diện cho TP HCM tham gia cuộc thi cấp quốc gia.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cuộc thi sẽ giúp học sinh bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống.

Mắt kính hỗ trợ giao tiếp hai chiều dành cho người câm điếc do Nguyễn Minh Nhật Huy, Trần Minh Mẫn lớp 12 tin, THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng chế. Khi người khuyết tật đeo mắt kính này, micro sẽ thu âm giọng nói người đối diện chuyển thành dạng văn bản hiển thị trên màn hình đặt ở một bên mắt kính. Đây là dạng màn hình trong suốt, giảm yếu tố cản trở tầm nhìn đến người sử dụng.

Ở chiều giao tiếp ngược lại, khi người khiếm thính ra ký hiệu tay, camera sẽ ghi nhận chuyển dữ liệu vào hệ thống phân tích, để xuất thành âm thanh thể hiện câu nói dựa trên cử chỉ.

Theo Nguyễn Minh Nhật Huy, thành viên nhóm, nhóm sử dụng mạch Raspberry Pi cùng các thiết bị khác như màn hình, camera, micro, loa... cho mắt kính. Hiện bộ dữ liệu cử chỉ đang hạn chế với 40 động tác của người khiếm thính. Tuy nhiên dữ liệu này đang được nhóm xây dựng thêm để tăng khả năng xử lý của mắt kính.

Mắt kính có tốc độ nhận diện giọng nói 0,3 giây mỗi từ, tỷ lệ nhận diện chính xác 84%. Khả năng nhận diện cử chỉ 0,8 - 1,5 giây mỗi từ, tỷ lệ nhận diện chính xác 70%. "Mắt kính đang cho ra văn bản dạng không dấu vì màn hình nhỏ và bộ dữ liệu cử chỉ đang hạn chế. Sắp tới nhóm sẽ khắc phục những vấn đề này để sản phẩm thông minh hơn", Huy chia sẻ.

Phần mềm học toán của Đặng Gia Bảo, lớp 9, trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Bằng việc lồng ghép các trò chơi, Bảo phát triển các bài học toán để người chơi vượt qua các thử thách. Sản phẩm được Bảo lập trình bằng công cụ Scratch.

Lấy ví dụ, Bảo đặt ra bài toán cộng dãy số từ 2021 đến 2029 cho kết quả bao nhiêu. Thực tế phép tính này có thể tính nhanh bằng cách lấy số đầu, cộng số cuối, nhân số số hạng, sau đó chia 2 là có kết quả. Khi người chơi điền kết quả sai, hệ thống sẽ đưa ra gợi ý. "Sản phẩm này giúp rèn luyện khả năng làm toán bằng các trò chơi giúp các bạn cảm thấy thích thú hơn", Bảo nói.

Robot cứu hộ của học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Sản phẩm mô phỏng chuyển động của các loài động vật bốn chân có thể di chuyển tiến, lùi, trái, phải với tốc độ tối đa 40 - 60 cm mỗi giây. Camera gắn ở đầu robot có thể nhận diện 80 loại vật thể trong phạm vi khoảng 50 m, trong đó có con người.

Theo Lê Minh Đức, lớp 11 tin, sản phẩm có thể vào những vùng sạt lở, khu vực điều kiện khó khăn mà con người khó đi vào để tìm kiếm và phát hiện người bị nạn. Hệ thống sẽ gửi báo động hỗ trợ cho hoạt động tìm kiếm cứu hộ. "Nhóm xây dựng thuật toán có thể nhận diện người chỉ cần xác định một bộ phận trên cơ thể nên có độ chính xác cao", Minh Đức chia sẻ. Sắp tới nhóm sẽ phát triển thiết bị định vị có thể xác định tọa độ người gặp nạn giúp xác định vị trí giúp quá trình cứu hộ hiệu quả hơn. Cùng với đó là ứng dụng cảm biến để robot di chuyển thông minh hơn.

Vật liệu cách âm bằng xơ dừa và bã mía của Nguyễn Hải Nam và Nguyễn Trọng Trí, lớp 10 trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý. Với đặc tính vật liệu chứa nhiều cellulose, Nam và Trí tiến hành xay nhỏ, phối trộn theo tỷ lệ để tạo hình vật liệu tấm cách âm, không sử dụng chất phụ gia.

Thí nghiệm ở cường độ âm thanh từ 85 - 10 dB với các tấm cách âm có tỷ lệ phối trộn khác nhau, cho kết quả giảm 25-44% tiếng ồn. "Quá trình thử nghiệm nhóm nhận thấy tỷ lệ bã mía càng cao thì khả năng hấp thụ âm thanh càng mạnh. Tuy nhiên sản phẩm có độ bền không cao, dễ cháy nên cần có hướng khắc phục trong thời gian tới", Hải Nam chia sẻ.

Camera tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chống ngủ gật của Phạm Thiện Nhân, trường THPT Hùng Vương. Bằng việc ghi nhận cử chỉ của mắt, tư thế đầu, khi tài xế có biểu hiện ngủ gật, hệ thống sẽ phát âm thanh cảnh báo. Nhân cho biết, dữ liệu sử dụng là miễn phí từ cộng đồng mã nguồn mở, nên độ chính xác chưa cao. Khi tái xế nhắm mắt và gục đầu hoàn toàn hệ thống mới cảnh báo, như vậy là khá trễ. Sản phẩm thử nghiệm mô phỏng trong phòng, đạt độ chính xác trên 90%, chưa thử nghiệm trực tiếp trên tài xế lái xe.

Theo vnexpress.net