Thứ 5, 18/07/2024, 20:29[GMT+7]

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Nhự và những tập kỷ yếu về các kỳ đại hội Đảng

Thứ 7, 02/09/2023 | 09:34:36
723 lượt xem
Nghỉ hưu từ năm 2001, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Nhự khi ấy đã ở tuổi 67 và trải nghiệm 49 năm tuổi quân. Đời binh nghiệp qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới, ông thấm đẫm những gian khổ, hy sinh ác liệt cùng đồng đội. Trở về cuộc sống đời thường, dù đã ở tuổi 90 CCB Nguyễn Đình Nhự vẫn mỗi ngày tự rèn luyện, dưỡng tâm tiếp cận thông tin mới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua đọc báo, qua internet, để tiếp tục lan tỏa những thông tin hữu ích cho đồng đội và cán bộ trẻ. Những tập sách kỷ yếu ghi chép kết quả các kỳ đại hội của Đảng, kết quả các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội được CCB Nguyễn Đình Nhự biếu tặng các hội viên CCB và cán bộ lãnh đạo trẻ ở địa phương thật trân trọng.

Cực chiến binh Nguyễn Đình Nhự hàng ngày đọc báo sưu tập tài liệu về các kỳ đại hội Đảng đóng kỷ yếu tặng bạn bè và cán bộ trẻ.

Thật hiếm người ở tuổi 90 mà còn giữ được sức khỏe mẫn tiệp như cụ Nguyễn Đình Nhự cư trú ở số nhà 289, phố Lê Trọng Thứ, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. Mỗi ngày cụ Nhự dành hai giờ buổi sáng để đọc báo và hai giờ buổi chiều để khai thác thông tin qua internet cập nhật tin thời sự trong nước, tin trong tỉnh và thời sự quốc tế. Tôi đến thăm và trò chuyện cùng cụ Nhự đúng giờ cụ đọc sách báo buổi sáng hàng ngày. Bên cạnh chồng báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Sự kiện và nhân chứng, báo Thái Bình cùng một số tờ báo khác, cạnh đó còn có một quyển sổ và hai cây bút, một cây bút màu xanh, một cây bút màu đỏ. Cách đọc báo của cụ Nhự gắn với việc dùng bút ghi chép lại thông tin cụ cho là mới, là quan trọng, những thông tin liên quan đến nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách mới của Nhà nước bao giờ cụ cũng dùng bút đỏ gạch chân đánh dấu, hoặc là ghi tóm tắt vào cuốn sổ nhỏ. Có những vấn đề quan trọng cụ mở máy tính cập nhật vào trang “những vấn đề mới cần lưu nhớ”. 

Đọc báo kiểu này nhớ lâu, lại không lẫn được, đây là phong cách làm việc tôi tích lũy từ những ngày còn công tác ở Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị đấy. Cụ Nhự đã nói với tôi như vậy rồi quay sang thuần thục với các thao tác sử dụng máy vi tính.

Đeo chiếc kính lão, tay rê chuột, cụ Nhự tìm thư mục có tựa đề “Các kỳ đại hội Đảng” và quay sang giảng giải cho tôi. Để cho dễ nhớ, dễ tìm cụ Nhự đã lập riêng từng trang nói về đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ và Đại hội XIII của Đảng, một trang riêng nói về bầu cử Quốc hội từ kỳ đầu tiên năm 1946 đến nay. Trong các trang này sưu tầm, cập nhật những thông tin về nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ, những thông tin được biên tập công phu chuẩn xác về các số liệu và sau đó là in thành tập kỷ yếu trên khổ giấy A4 chữ to, rõ, dễ đọc, đóng thành nhiều tập rồi đem sách tặng các hội viên CCB, bí thư chi bộ khu dân cư và gửi tặng những cán bộ đang công tác ở quê hương xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ.

Với tay sang chồng sách có bìa màu đỏ sáng bóng, cụ Nhự tặng tôi hai tập sách quý. Tập sách dày 142 trang có nhan đề “Một số tư liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội”. Tập sách thứ hai cũng có độ dày 141 trang, nhan đề “Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII”. Hai tập sách với ắp đầy thông tin được cụ sưu tầm biên tập. 

“Hai cuốn cẩm nang này được các đồng chí lãnh đạo xã An Mỹ đánh giá cao và quý lắm đây nhà báo nhé. Tôi cũng đã tặng kỷ yếu cho rất nhiều CCB và các bạn già muốn hiểu sâu về Đảng Cộng sản Việt Nam và nắm chắc hơn về kết quả Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII” - cụ Nhự nói và nở nụ cười thật hiền.

Lật sang một thư mục khác có tựa đề “Phản bác, bài trừ luận điệu xuyên tạc, phản động”, cụ Nhự cất giọng nhẹ nhàng, khúc triết như một báo cáo viên và nói thêm với tôi: Đây cũng là vấn đề nhà báo cần nắm chắc, nắm sâu quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta khẳng định quan điểm “Dân là gốc”. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đây là sự khẳng định mang tính chân lý, thể hiện bước phát triển mới về lý luận của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan điểm “Dân là gốc”, “Nhân dân là trung tâm” cũng chính là thể hiện sự sinh động tính hài hòa, thống nhất của giá trị văn hóa Đảng và mùa xuân dân tộc ở đất nước ta. Đây cũng là cơ sở, niềm tự hào chính đáng để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam và đông đảo kiều bào yêu nước đề cao tinh thần dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết phản bác, đấu tranh làm thất bại các âm mưu kiểu “ngụy tư tưởng”, “ngụy lý luận”, “ngụy phản biện”… của các thế lực thù địch, phản động. Cụ Nhự đọc lại cho tôi nghe đoạn trích này từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhắc lại với tôi đến ba bốn lần rằng quan điểm của Đảng ta rõ nét như thế, cụ thể như thế, nhà báo cần nắm thật chắc vấn đề này mà viết cho đúng cho trúng đấy nhé.

Đọc báo, lên mạng tra cứu thông tin thời sự mỗi ngày với CCB Nguyễn Đình Nhự đã thành nền nếp như cơm ăn, nước uống hàng ngày. CCB Nguyễn Đình Nhự nói, tôi đọc báo, lên mạng không phải là để khỏa lấp khoảng trống thời gian rỗi rãi trong ngày một cách vô bổ mà để đầu óc được minh mẫn, được tiếp cận thông tin mới, cái mới, để không bị lạc hậu với các đồng chí trong chi bộ và còn là một ham thích sưu tầm tư liệu, cập nhật tư liệu, đóng thành tập kỷ yếu ai cần thì tôi biếu tặng. Tập kỷ yếu sưu tầm về Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ đã được cụ Nhự hoàn thành. Kỷ yếu Đảng bộ tỉnh Thái Bình qua các kỳ đại hội, tập kỷ yếu về Bác Hồ vĩ nhân kiệt xuất cũng đã được cụ Nhự cơ bản hoàn tất đóng thành nhiều tập để gửi tặng bạn bè và những người yêu thích sách lịch sử.

Có được “sống vui, sống khỏe, sống có ích” với CCB Nguyễn Đình Nhự thật quý hiếm. Cuộc đời của cụ Nhự từng trải bao biến cố thời gian, khi mới 17 tuổi tham gia cách mạng, là du kích thôn Tô Đàm, xã Tô Công nay là xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ; tham gia đánh giặc Pháp giữ làng từng bị giặc Pháp bắt giam ở Căng Máy Chai - Nam Định, bị giặc đánh đập, tra tấn và bị giặc ép buộc đi làm phu đường nhiều tháng trời. Cuối năm 1951 được giặc Pháp trả tự do trở lại quê hương, tháng 6/1952 cụ Nhự được vào bộ đội thuộc Tiểu đoàn 606, Trung đoàn 50 Quân khu Tả Ngạn, được tăng cường tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 1958 được điều động về nhận nhiệm vụ ở Binh chủng Pháo binh và đầu năm 1960 được kết nạp vào Đảng và tiếp tục được điều động trở lại công tác ở Sư đoàn 341 Quân khu 4, được Quân đội trưng dụng và đào tạo qua nhiều trường lớp cơ bản. Năm 1979 được điều động về công tác ở Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cho đến ngày nghỉ hưu năm 2001.

Ở tuổi 90, cụ Nguyễn Đình Nhự đã đi qua bao chiến trường, tham gia bao trận đánh, vượt qua bao gian khó hiểm nguy. Cụ Nhự được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến và phần thưởng cao quý khác, nhưng cụ không thống kê cập nhật để làm sách, làm kỷ yếu mà tâm huyết của người CCB già với 63 năm tuổi đảng dành cho đọc sách báo mỗi ngày cập nhật về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật những thành tựu của công cuộc đổi mới để lan tỏa những thành tựu của Đảng, Nhà nước và của quê hương đến những người bạn đồng niên, những CCB, những cán bộ trẻ qua những tập kỷ yếu. Cách tiếp cận cuộc sống của người nghỉ hưu “sống vui, sống khỏe, sống có ích” mỗi ngày của CCB Nguyễn Đình Nhự thật đáng trân trọng.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)