Thứ 3, 30/04/2024, 15:58[GMT+7]

Tiền Hải: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Thứ 3, 24/10/2023 | 08:37:32
10,058 lượt xem
Những năm gần đây, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Tiền Hải triển khai thực hiện hiệu quả, thu hút nhiều cá nhân, HTX, doanh nghiệp tham gia. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao là sản phẩm từ cói của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An; vịt biển, trứng vịt biển của HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, xã Đông Xuyên; gạo sạch Thái Bình 3T của Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được người tiêu dùng tin tưởng và từng bước tạo dựng chỗ đứng trên thị trường.

Xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Việc triển khai chương trình OCOP là giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hạng sao OCOP chính là thước đo chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP được các chủ thể quan tâm. Hiện nay, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (sản phẩm OCOP cấp quốc gia). Trong năm 2023, huyện Tiền Hải đang đề nghị nâng cấp 1 sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao là sản phẩm từ cói của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An và 1 sản phẩm gà ri thả vườn đạt 4 sao của HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cói tham gia chương trình OCOP, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An luôn chú trọng đầu tư, đổi mới mẫu mã sản phẩm. Năm 2020, sản phẩm từ cói của Công ty là 1 trong 17 sản phẩm của Thái Bình đạt hạng 4 sao. 

Bà Phạm Thị Ngắn, Giám đốc Công ty cho biết: Tôi thành lập Công ty với mong muốn phát triển nghề truyền thống của địa phương và tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tôi đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn; chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, đầu tư công nghệ, trang thiết bị... Hiện nay Công ty tạo việc làm tại chỗ cho 40 - 50 lao động tại xưởng và 3.000 lao động làm việc tại các địa phương trong tỉnh với mức thu nhập 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất 200.000 - 300.000 sản phẩm, doanh thu 9 tháng đầu năm đạt hơn 50 tỷ đồng. Để nâng tầm thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng, Công ty đang cố gắng nâng hạng sản phẩm đạt 5 sao. Từ đó, Công ty chú trọng đến các chỉ tiêu đạt hạng 5 sao là: Sản phẩm có tính cộng đồng cao, sử dụng 100% nguyên liệu trong tỉnh; chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ... Năm 2023, Công ty nỗ lực cải tiến công nghệ, mẫu mã sản phẩm để tạo ra những mặt hàng tinh xảo, độc đáo. Đặc biệt, Công ty đã chủ động về nguồn nguyên liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu và Mỹ.

Nhờ sự chủ động của các chủ thể, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ở Tiền Hải đều duy trì được các điều kiện về mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chí đặt ra. Các sản phẩm hầu hết đều tăng sản lượng tiêu thụ và được khách hàng đánh giá cao. 

Ông Bùi Văn Khái, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thủy hải sản số 06 (xã Nam Cường) chia sẻ: Được truyền nghề từ ông cha, tôi và các thành viên trong gia đình nỗ lực đưa sản phẩm nước mắm truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021. Hiện nay Công ty có 33 bể chượp, trung bình mỗi bể sẽ cho khoảng 1.000 lít nước mắm/năm. Với giá bán nước mắm loại 1 là 150.000 đồng/lít, loại 2 là 100.000 đồng/lít, bình quân Công ty thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Trong thời gian tới, để phát triển thương hiệu nước mắm Tiền Châu, đưa sản phẩm vươn xa, chiếm lĩnh thị trường, tôi đăng ký nâng hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao. Theo đó, sản phẩm nước mắm của Công ty đang hoàn thiện các điều kiện về công nhận hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác...

Xác định chương trình OCOP là một trong những giải pháp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, năm 2023 huyện Tiền Hải có 22 sản phẩm của 18 xã đăng ký phát triển sản phẩm OCOP, góp phần đưa giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm đạt hơn 17.500 tỷ đồng, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng 2,58%. 

Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: Nâng hạng sản phẩm OCOP là điều kiện bắt buộc, khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận, nếu chủ thể không tuân thủ sẽ bị thu hồi chứng nhận. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP lập phương án và tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh bảo đảm đạt hiệu quả; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì. Hỗ trợ kinh phí giới thiệu sản phẩm chủ lực... Phấn đấu đến năm 2025 Tiền Hải có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đạt 76 triệu đồng/người/năm.

Sản phẩm nước mắm Tiền Châu, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thủy hải sản số 6 được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.


Nguyễn Thắm