Thứ 6, 22/11/2024, 00:12[GMT+7]

Phát triển đảng viên trong trường học: Nhân lên những “hạt giống đỏ” Kỳ 3: Chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ 4, 25/10/2023 | 08:33:09
9,277 lượt xem
Thái Bình là một trong những địa phương giàu truyền thống hiếu học, học sinh hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào. Hàng năm, mỗi huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho hàng trăm học sinh ưu tú của khối THPT. Tuy nhiên, con số được kết nạp Đảng còn khá khiêm tốn.

Sân chơi rung chuông vàng của học sinh Trường THPT Lý Bôn.

Khó khăn với những quần chúng trẻ ưu tú

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh mặc dù đã tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng chưa được kết nạp Đảng đó là quy định về độ tuổi. Theo quy định của Điều lệ Đảng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Tuy nhiên, từ tháng 7 hàng năm học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường, do vậy các em có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp Đảng so với các em sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Thực tế này dẫn đến số lượng học sinh ưu tú được xét đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và số được đứng trong hàng ngũ của Đảng hàng năm có sự chênh lệch khá lớn.

Ông Lê Ngọc Kiên, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Bôn cho biết: Hàng năm, nhà trường giới thiệu hàng chục học sinh ưu tú đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do huyện tổ chức, tuy nhiên nhà trường chưa có học sinh nào đủ điều kiện để kết nạp Đảng tại trường. Có em học tập xuất sắc, tu dưỡng, rèn luyện tốt, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội thì lại chưa đủ tuổi, có em đủ tuổi thì lại chưa đủ các điều kiện khác. Vì vậy, kết thúc mỗi năm học Chi bộ nhà trường thường có giấy giới thiệu và chuyển hồ sơ về chi bộ nơi các em sinh sống. Thế nhưng, thời gian các em ở tại địa phương lại quá ngắn bởi đến đầu tháng 9 các em nhập học tại môi trường học tập mới, vì thế phần lớn các em sẽ được giới thiệu đến tổ chức đảng mới để tiếp tục theo dõi.

Những gián đoạn trong việc chuyển tiếp hồ sơ ít nhiều gây khó khăn đối với những quần chúng trẻ ưu tú. Hơn nữa, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thanh niên còn hạn chế, còn tuyệt đối hóa các tiêu chuẩn, điều kiện và có biểu hiện khắt khe hoặc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện của môi trường đào tạo không phù hợp đã làm hạn chế cơ hội được đứng trong hàng ngũ Đảng của các em. 

Tại Trường THPT Nam Duyên Hà, cách đây vài năm có một học sinh rất xuất sắc, xét về điều kiện, tiêu chuẩn thì học sinh đó có thể kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, do nhận thức của các đảng viên trong Chi bộ nhà trường lúc ấy vẫn còn hạn chế, nhiều thầy cô khắt khe, tuyệt đối hóa các tiêu chuẩn nên học sinh đó không được kết nạp Đảng tại trường. Rút kinh nghiệm từ trường hợp này, nhà trường đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đảng viên, học sinh, phụ huynh, từ đó mở rộng cơ hội đứng trong hàng ngũ của Đảng cho các học sinh ưu tú. Những năm học gần đây, số học sinh được cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do huyện tổ chức tăng dần. Tuy nhiên, để xét kết nạp Đảng thì chưa có học sinh nào, nguyên nhân chủ yếu là tiêu chuẩn về độ tuổi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, tỷ lệ học sinh được kết nạp Đảng chưa tương xứng với tiềm năng bởi nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của việc học tập chính trị chưa thật sâu sắc, chưa thường xuyên tổ chức sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Cá biệt, còn cấp ủy chưa quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nội dung sinh hoạt chi bộ trong các trường học; chưa quan tâm đúng mức việc khảo sát, tạo nguồn kết nạp đảng viên trong học sinh. Do đó, cần thống nhất về nhận thức đối với cấp ủy các nhà trường. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục là giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân và về chính trị.

Thầy và trò Trường THPT Nam Duyên Hà tham quan phòng truyền thống của nhà trường.

Đừng để “nhạt Đảng, khô Đoàn”

Không thể phủ nhận bên cạnh sự lớn mạnh của tổ chức đoàn và trưởng thành của phần lớn đoàn viên, thanh niên, hiện nay vẫn còn một bộ phận đoàn viên không mặn mà với hoạt động đoàn, không tha thiết vào Đảng, thờ ơ với các vấn đề chính trị của đất nước. Nhiều em không có chí hướng rõ ràng, thiếu hiểu biết về truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận học sinh lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ; bản lĩnh non kém, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. 

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, tại mỗi huyện, thành phố, hàng chục trường hợp  là thanh niên, học sinh vi phạm pháp luật, trong đó nhiều vụ việc đã bị khởi tố hình sự. Phần lớn các vụ việc đều có sự tham gia của thanh thiếu niên, học sinh ở độ tuổi 14 - 20. Theo nhận định, do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này đang trong quá trình phát triển nên khả năng phân biệt, nhận thức đúng, sai còn rất hạn chế. Bên cạnh những hành vi vi phạm pháp luật, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử đang có chiều hướng gia tăng, gióng lên hồi chuông báo động nhà trường, gia đình và toàn xã hội. 

Chị Phan Thị Ngân Phương, Bí thư Huyện đoàn Vũ Thư chia sẻ: Dù không muốn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận hiện nay có một bộ phận đoàn viên, thanh niên trong các trường học có biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Những biểu hiện đáng lo ngại ấy cần sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ nhiều phía, trong đó có gia đình, môi trường giáo dục, xã hội, đặc biệt là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật. Mặt khác, nhiều học sinh và cha mẹ của các em cho rằng, thời điểm cuối cấp cần tập trung vào việc học, thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học. Nếu muốn phấn đấu vào Đảng sẽ cần phải tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thiện nguyện. Như vậy, khoảng thời gian dành cho việc học sẽ bị thu hẹp lại. Cùng với đó, cũng có học sinh chia sẻ khi tốt nghiệp đại học sẽ xin vào làm việc tại các công ty nước ngoài tại Việt Nam, việc vào Đảng có thể sẽ khó khăn trong quá trình xin việc hoặc công tác. 

Ông Trần Duy Sử, Hiệu trưởng Trường THPT Phụ Dực chia sẻ: Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền hoặc tuyên truyền không đúng trọng tâm, trọng điểm, học sinh sẽ không nhận thấy tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong trường học. Từ đó, các em sẽ không có động cơ phấn đấu vào Đảng.

Từ thực trạng trên cho thấy rất cần sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng địa phương, đơn vị trường học để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tế bởi phát triển đảng viên trong học sinh mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài.

(còn nữa)
Đặng Anh

Tác phẩm tham dự giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày