Chủ nhật, 11/08/2024, 08:08[GMT+7]

Khôi phục di tích đình Bến Ước mơ lớn của người dân Tu Trình

Thứ 2, 15/09/2014 | 09:15:02
4,133 lượt xem
Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một di tích lịch sử mang đậm dấu ấn một thời quân dân nhà Trần đánh giặc ngoại xâm như di tích đình Bến cần được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Ban quản lý di tích đình Bến ra mắt nhân dân địa phương trong ngày đón Bằng chứng nhận những vật chứng lịch sử thuộc di tích đình Bến thuộc sự bảo trợ của Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam.

 

Thế kỷ 13, với vị trí thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ, làng Mắt (nay là thôn Tu Trình, xã Thụy Hồng, Thái Thụy) được nhà Trần chọn làm nơi đặt trại luyện quân, xây dựng tuyến phòng thủ ven biển Ðông Bắc, đình Bến là nơi đồn trú quân của quân sĩ. Tuy nhiên, trải qua biến động của lịch sử, ngôi đình không còn; người dân địa phương chỉ biết đến di tích qua tấm bia đặt trên nền đất đình khi xưa. Nhằm tri ân công đức của các anh hùng có công với đất nước, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về mảnh đất quê hương cho nhân dân địa phương, việc khôi phục di tích lịch sử đình Bến đang là ước mơ lớn mà người dân trong thôn đang nỗ lực thực hiện.

 

Tương truyền xưa kia đình Bến thờ lục vị Thành hoàng làng là 6 vị Ðô thống tướng quân người làng Mắt đã có công cùng vua Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Năm 1285, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, đình là nơi đóng quân của binh sĩ nhà Trần nên được nhân dân quen gọi là “Ðồn năm gian”. Tại ngôi đình này, khi Vua Trần Nhân Tông về thăm trại luyện quân và Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đi thị sát phòng tuyến ven biển Ðông Bắc đã từng nghỉ qua đêm. Thế kỷ 19, đình làng là nơi hội họp của nhân dân. Do nằm ở vị trí xa làng, đình Bến được dời về xây dựng tại trung tâm của làng. Dân làng ghi nhớ công ơn của vua tôi nhà Trần đã xây dựng đình Bến, dựng bia thờ vọng Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn.

 

Ông Nguyễn Quang Hăng, Bí thư Chi bộ thôn Tu Trình cho biết: Hiện nay, gần khu di tích đình Bến, những cái tên cổ có nguồn gốc từ thời nhà Trần đóng quân như đường rước Vua (con đường dân làng mở rộng để rước Vua Trần Nhân Tông từ trại luyện quân đến đình Bến), đồng Mã (nơi chăn thả ngựa của triều đình), đồng Chúa (nơi trồng lúa màu cung cấp lương thực cho quân lính triều đình) vẫn được người dân Tu Trình gọi cho các xứ đồng, con đường của thôn. Ðầu năm 2014, Ðoàn khảo sát di tích thuộc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam do ông Nguyễn Lân Cường làm Trưởng đoàn sau khi về khu di tích đình Bến khảo sát phát lộ ra 3 chiếc giếng và nhiều cổ vật có niên đại từ thời nhà Trần đã cấp bằng chứng nhận những vật chứng lịch sử thuộc di tích đình Bến nằm trong sự bảo trợ của Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam; 77 cá nhân, dòng họ, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác gìn giữ, bảo tồn vật chứng lịch sử đã được nhận giấy chứng nhận của Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam.

 

Tại di tích đình Bến, những ngày rằm, mồng một, lễ tiết trong năm, nhân dân vẫn thường ra thắp hương tưởng nhớ ân đức của những người có công với đất nước. Với mục đích phục dựng di tích, nhân dân địa phương đã lập Ban quản lý di tích đình Bến gồm 32 thành viên, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập quỹ bảo tồn di tích. Ông Trần Ðình Thùy, Trưởng Ban quản lý di tích đình Bến cho biết: Việc thôn Tu Trình được đón bằng công nhận những vật chứng lịch sử thuộc di tích đình Bến nằm trong sự bảo trợ của Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam đã chứng minh thời Trần, khu di tích đình Bến thực sự là nơi binh sĩ đóng quân, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị lực lượng đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược. Khôi phục di tích có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thời gian tới, Ban quản lý di tích đình Bến sẽ xây dựng thiết kế tái hiện lại khu di tích đình Bến, tổ chức gặp mặt con em địa phương đang sinh sống trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp… huy động kinh phí ủng hộ. Lộ trình khôi phục di tích đình Bến có thể sẽ mất nhiều thời gian nhưng Ban quản lý di tích đình Bến và nhân dân địa phương quyết tâm xây dựng lại ngôi đình.

 

Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một di tích lịch sử mang đậm dấu ấn một thời quân dân nhà Trần đánh giặc ngoại xâm như di tích đình Bến cần được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa