Chủ nhật, 11/08/2024, 08:06[GMT+7]

Dấu xưa trên quê hương nhà bác học

Thứ 6, 09/01/2015 | 10:27:47
4,452 lượt xem
Cách thành phố Thái Bình khoảng 35km về phía Bắc, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn thuộc thôn Ðồng Phú (xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà) là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật, dấu tích từng gắn bó với nhà bác học danh tiếng trong lịch sử.

Lăng mộ tiến sĩ Lê Trọng Thứ - thân phụ nhà bác học Lê Quý Đôn tại thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, Hưng Hà

 

Khu lưu niệm bao gồm ba công trình: từ đường, lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ (thân phụ Lê Quý Ðôn) và hồ Lê Quý. Từ đường được thiết kế theo hình chữ Tam bao gồm tòa bái đường năm gian, tòa trung đường và hậu cung, mỗi tòa ba gian. Các cụ trong dòng họ kể lại, tòa trung đường và hậu cung xưa kia là nhà cũ của cụ Lê Trọng Thứ. Ðây là nơi chở che nhà bác học Lê Quý Ðôn suốt những năm tuổi thơ. Hiện nay là nơi thờ phụng của dòng họ song kiến trúc vẫn không có gì thay đổi so với trước. Trong tòa trung đường và hậu cung còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, ngai thờ từ thế kỷ XVIII. Tòa bái đường kiên cố và vững chắc, xây dựng năm 2006 bằng ngân sách tỉnh.

 

Cùng ông Lê Quý Tự, thành viên Ban Quản lý Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn, chúng tôi đi thăm hồ Lê Quý, cách từ đường khoảng 50m. Mùa đông, sen trong hồ đã tàn, giữa hồ nổi lên một gò đất cao. Ông Tự cho biết: Theo dân làng truyền lại, trên gò đất ấy ngày xưa có một ngôi phương đình nhỏ, Lê Quý Ðôn thường ra đó nghỉ ngơi, viết sách và tiếp khách. Còn những bậc đá dài bên cạnh hồ là bến đậu thuyền. Hồ Lê Quý cách lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ khoảng 300m. Năm 1986, cụm di tích từ đường, hồ Lê Quý, lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ thuộc Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Ðiểm đặc biệt ở Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn hiện nay là ngay tại tòa bái đường thuộc từ đường dòng họ Lê Quý có một thư viện miễn phí cho nhân dân. Người thủ thư cho biết, được sự hỗ trợ sách báo của Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh và Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà, năm 2008 thư viện bắt đầu hoạt động dưới hình thức cho mượn sách, báo, tài liệu về nhà và phục vụ nhân dân đọc tại chỗ vào chủ nhật hàng tuần. 3 năm gần đây, được sự ủng hộ của con em trong dòng họ và nhiều cá nhân, tập thể, số lượng sách, báo trong thư viện thêm phong phú, đa dạng, bao gồm sách văn học, địa lý, lịch sử, kỹ thuật nuôi trồng, kỹ năng sống, sách khoa học - đời sống, truyện tranh… Thư viện đã mở cửa tất cả các ngày trong tuần, mỗi năm phục vụ từ 1.100 - 1.300 lượt bạn đọc mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em học sinh.

 

Là nơi sinh ra, lớn lên, học tập, trưởng thành của nhà bác học danh tiếng trong lịch sử, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn lưu giữ những chứng tích liên quan trực tiếp đến con người và cuộc đời nhà bác học. Cùng với việc bảo tồn những chứng tích này để hậu thế được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về cuộc đời nhà bác học Lê Quý Ðôn, những người làm quản lý di tích nơi đây cũng đang nỗ lực dùng di tích văn hóa để truyền bá văn hóa, xây dựng văn hóa đọc tại địa phương. Hy vọng, sau vài năm nữa, khi Khu lưu niệm được xây dựng theo quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh, với vị trí giao thông thuận lợi, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình với bạn bè trong nước, quốc tế.

Vũ Hường

 

Lê Quý Ðôn tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Ðường, sinh năm 1726 ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà). Thuở nhỏ, Lê Quý Ðôn đã nổi tiếng là thần đồng, 14 tuổi theo cha lên kinh đô học tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Năm 18 tuổi thi hương đậu Giải nguyên rồi ở nhà dạy học và viết sách. Năm 27 tuổi, Lê Quý Ðôn thi hội đỗ đầu, thi đình đỗ Bảng nhãn. Năm 1784, khi ông 58 tuổi và đang giữ chức Thượng thư Bộ công thì lâm bệnh và mất tại quê ngoại (nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Namon>). Sự nghiệp trước tác của Lê Quý Ðôn rất đồ sộ, ông đã làm khoảng 40 đầu sách các loại bao gồm lịch sử, thơ văn, triết học, chú giải kinh điển, tổng loại…, là kho tàng quý của nền học thuật nước nhà.

 

  • Từ khóa