Thứ 5, 28/03/2024, 16:46[GMT+7]

Trường Sa - Khát vọng trường tồn (Kỳ 6)

Thứ 2, 04/06/2018 | 15:58:23
2,007 lượt xem
Trong hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi rất may mắn và vô cùng xúc động khi được gặp, được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động xung quanh những món quà được trao đi - nhận lại trên tàu và trên từng điểm đảo.

Kỳ 6: Điểm nhấn Trường Sa

(Tiếp theo và hết)

Đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, mỗi món quà gửi từ đất liền là một tình cảm được nâng niu, trân trọng. Ngoài những món quà vật chất thì những món quà đặc biệt mang ý nghĩa tinh thần luôn để lại ấn tượng mạnh giúp các anh cảm thấy ấm lòng.

Lời nhắn từ hậu phương

Như thường lệ, mỗi dịp thay thu quân, tặng quà tết, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương đều phát động học sinh, sinh viên viết thư cho bộ đội Trường Sa. Từ đó đã có hàng nghìn bức thư được viết bằng tất cả tấm lòng biết ơn những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. 

Dòng chia sẻ của các em học sinh lớp A1K59 Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên): “Qua các bài học trên lớp, qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng em đã biết rằng, khi chúng em đang được sống trong bình yên, được học tập, vui chơi thì các chú, các anh đang phải đối mặt với phong ba, bão táp, những hiểm nguy rình rập nơi đảo xa. Dù các anh phải sống xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân yêu nhất nhưng tất cả những điều đó cũng không ngăn nổi trái tim của các anh nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương, bờ cõi. Nơi hậu phương luôn có những trái tim hướng về, ủng hộ và tin tưởng các anh”. 

Thiếu úy Bùi Văn Xuân, đảo Đá Đông B chia sẻ: Làm nhiệm vụ ngoài đảo không tránh khỏi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, bè bạn, anh em luôn mong ngóng tin tức từ đất liền. Nhận được thư của các bạn trẻ ở mọi miền Tổ quốc, mình cảm thấy rất vui và xúc động khi thấy thế hệ trẻ vẫn luôn dõi theo và quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Đất liền hãy yên tâm, anh em chúng tôi sẽ nguyện chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thư hậu phương đến với lính đảo.

Món quà đặc biệt

Buổi tối duy nhất đoàn công tác nghỉ lại đảo Trường Sa, tôi cùng Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo và một số cán bộ, chiến sĩ ngồi uống nước, nói chuyện trước sân trụ sở UBND thị trấn Trường Sa. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi chị Hồng Diên (phóng viên Báo Xây dựng) xuất hiện, trên tay xách một túi quà. Chị Diên tiến lại bàn uống nước, nở nụ cười tươi rồi nói: Chào các anh. Hôm nay tôi xin chuyển món quà của một cháu bé rất đặc biệt ở Hà Nội gửi tặng các anh nhân dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Nói rồi chị mở chiếc túi, lấy ra rất nhiều khăn mặt, xà phòng tắm, bánh kẹo đặt lên bàn. Mọi người chưa kịp nói gì thì chị Diên đưa chiếc phong bì thư cho Trung tá Lương Quốc Anh và đề nghị: Anh hãy đọc đi rồi tôi sẽ nói. Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa tỏ vẻ ngạc nhiên xen lẫn tò mò. Trong phong bì thư là một tấm thiệp chúc mừng năm mới, trên đó chỉ ghi duy nhất một dòng chữ: “Duy Anh chúc các chú bộ đội năm mới 2018 mạnh khỏe, công tác tốt” và ký tên phía dưới. “Tấm thiệp này của ai mà lạ vậy chị Diên? Hình như là của một cháu bé vì nét chữ rất nguệch ngoạc và còn thiếu cả dấu câu nữa” - Trung tá Lương Quốc Anh thắc mắc. Chị Diên cho biết, tấm thiệp này là của cháu Bùi Duy Anh (14 tuổi), học sinh Trường THCS Xã Đàn - trường dành cho những học sinh khuyết tật ở Hà Nội. Duy Anh là trẻ tự kỷ, gặp rất nhiều khó khăn trong nhận thức xã hội. Nhờ tình yêu thương, dạy dỗ tuyệt vời của mẹ mà Duy Anh ngày càng tiến bộ, có thể nhận biết được nhiều thứ xung quanh, viết được một đoạn văn khoảng 10 câu trở lại và đặc biệt là biết cảm thông, thể hiện tình cảm với mọi người. Một hôm Duy Anh được mẹ cho xem hình ảnh về các chú bộ đội Trường Sa và nói rằng các chú bộ đội ngoài đảo phải xa nhà, chịu vất vả, hy sinh vì đất nước... Nghe vậy, cậu bé nằng nặc đòi mẹ phải dẫn đi mua quà, thiệp chúc mừng năm mới và nhờ người gửi tặng các chú bộ đội. Qua facebook, mẹ cháu biết được tôi sắp ra Trường Sa công tác nên đã liên hệ và nhờ gửi món quà này tới các anh. Nghe tới đây, Trung tá Lương Quốc Anh cùng các cán bộ, chiến sĩ mới hiểu. Họ bắt đầu chuyền tay nhau tấm thiệp đặc biệt của Duy Anh. Có người đọc xong mắt ngấn lệ vì xúc động. 

Trung tá Phạm Bá Bằng, Chính trị viên cụm chiến đấu số 2 đảo Trường Sa cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được tấm thiệp chúc mừng năm mới đặc biệt như thế này. Một cháu bé bị bệnh tự kỷ mà vẫn nghĩ tới và dành tình cảm cho lính đảo khiến chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, thêm quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngay lập tức, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa yêu cầu Trung tá Nguyễn Ngọc Anh, Trợ lý đảo viết thư cảm ơn và chúc mừng năm mới mẹ con Duy Anh.

Nâng niu cây hoa ốc do cán bộ, chiến sĩ gửi tặng.

Yêu thương gửi về theo cánh sóng

Không chỉ có những món quà đất liền gửi ra Trường Sa mới đặc biệt mà những món quà từ đảo gửi về đất liền cũng đong đầy ý nghĩa. Những người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền cầm trên tay những món quà của biển, đảo. Đó là những cây bàng vuông, cây tra con mang về trồng ở nhà cho “đỡ nhớ” Trường Sa, là những vỏ ốc to vọng tiếng gió biển, là những cây hoa ốc thật đẹp đã được các chiến sĩ trẻ chăm chút, nâng niu trong những ngày ở đảo để dành tặng “người thương” như là kỷ niệm về một thời tuổi trẻ.

Những ngày cuối hải trình trôi qua rất nhanh, thoáng chốc đã sắp đến ngày đoàn công tác phải nói lời tạm biệt Trường Sa. Chẳng ai bảo ai nhưng trong từng ánh nhìn, cử chỉ, mọi thành viên trong đoàn đều như muốn thời gian dừng lại, để níu kéo những giây phút cùng Trường Sa. Mọi người tranh thủ ghi lại thật nhiều hình ảnh về lính đảo Trường Sa, về tàu KN-490; cùng nâng niu, đóng gói cẩn thận những món quà giản dị nhưng chứa chan tình cảm của những người lính đảo.

Bức tranh lá cờ Tổ quốc của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore gửi tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa được treo ở hội trường đảo Trường Sa.

Trở về đất liền, trong tôi cứ vang vọng câu hát trong bài “Bâng khuâng Trường Sa”: “Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc. Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa. Giữa đảo xa, lá cờ bạc nắng gió. Bỗng trong tôi mắt lệ tuôn trào”. Giây phút tạm biệt Trường Sa đã đến, những giọt nước mắt, lời động viên, cái bắt tay, cái ôm thật chặt và những lời hứa “hẹn gặp lại”... Đọng lại sâu đậm nhất trong lòng chúng tôi là hình ảnh những người lính đảo bình dị, kiên trung; là ý chí vươn lên, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc để Trường Sa mãi trường tồn cùng dân tộc.

Nguyễn Thơi