Thứ 2, 06/05/2024, 05:45[GMT+7]

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Cần sự quyết tâm và đồng thuận Kỳ 3: Giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc

Thứ 3, 12/03/2024 | 21:02:13
2,282 lượt xem
Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển của tỉnh ta hiện nay và trong tương lai, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần phải có quyết tâm rất cao để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Người dân xã Vũ Bình (Kiến Xương) tận dụng lợi thế đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản.

Bố trí cán bộ, công chức hợp lý

Nhờ thực hiện tốt công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền nên chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, việc sắp xếp như thế nào để không chỉ là phép cộng cơ học của những con số cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ, công chức mà phải làm sao để phù hợp với thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân, nâng cao được hiệu quả của bộ máy chính quyền, chất lượng thụ hưởng của người dân.

Theo ông Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ: Qua rà soát, thống kê, số lượng cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã dự kiến là 252 người, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư dự kiến 106 người. Vấn đề đặt ra là phải có phương án bố trí công tác mới cho những cán bộ, công chức cấp xã dôi dư khi chưa đủ điều kiện giải quyết chế độ, chính sách. Trong khi số cán bộ, công chức này đa số tuổi đời còn trẻ, số năm công tác tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm đối với nữ và chưa đủ 20 năm đối với nam. Cán bộ cấp xã phần lớn có một bằng chuyên môn, đặc biệt cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội có trình độ chuyên môn thuộc khối đoàn thể theo đó không phù hợp với vị trí việc làm của yêu cầu chức danh công chức khuyết thiếu khi thực hiện phương án tiếp nhận vào công chức cấp xã. Hiện nay Thái Bình vẫn đang thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 theo quyết định của Ban Tổ chức Trung ương nên đây sẽ là khó khăn cần tập trung giải quyết.

Ví như huyện Tiền Hải, sau khi thực hiện sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ dôi dư 38 cán bộ, 19 công chức, 22 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Phần lớn cán bộ, công chức ở độ tuổi 40 - 50, mỗi người chỉ có một bằng chuyên môn, một số vị trí như bí thư đoàn thanh niên có thời gian giữ chức vụ và số năm đóng bảo hiểm xã hội ngắn sẽ rất khó cho việc bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, công chức các xã thuộc diện sắp xếp. Việc đồng thời phải thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong khi tỉnh chưa có văn bản về giao số lượng biên chế cấp xã nên huyện cũng gặp khó khăn, lúng túng trong việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã.

Hệ thống đường giao thông của xã Vũ Bình (Kiến Xương) được đầu tư xây dựng đồng bộ. 

Ông Phan Tiến Chinh, Chủ tịch UBND xã Vũ Bình (Kiến Xương) chia sẻ: Cán bộ, đảng viên và nhân dân Vũ Bình cơ bản thống nhất với việc sáp nhập 3 xã Vũ Bình, Vũ Hòa, Vũ Thắng để thành lập 1 đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, khi sáp nhập 3 xã sẽ dôi dư lượng lớn cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách. Chúng tôi rất trăn trở bởi hầu hết họ được đào tạo cơ bản, đạt tiêu chuẩn về trình độ, có sức trẻ và nhiệt huyết. Vì vậy, mong muốn của đội ngũ cán bộ, công chức xã sau sáp nhập là có phương án bố trí hợp lý để các đồng chí có thể yên tâm công tác trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của quê hương.

Theo kiến nghị của lãnh đạo các địa phương, tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ chung và có hướng dẫn cụ thể cho việc bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, từ đó tạo thuận lợi cho các địa phương xây dựng phương án sắp xếp, đồng thời cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính.

Quan tâm giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra

Sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy mô đơn vị hành chính mới lớn hơn sẽ tạo ra dôi dư về cơ sở vật chất ở các đơn vị cũ, trong khi đơn vị mới lại chưa có đủ cơ sở vật chất cho bộ máy hoạt động, phải ghép nhiều cán bộ, công chức vào một phòng làm việc. Các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị cũ khó tìm phương án giải quyết. Một vấn đề đặt ra nữa là các xã đã về đích nông thôn mới, các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được phê duyệt phải xây dựng lại. Sau sắp xếp sẽ có nhiều điểm trường, các điểm trường cách xa nhau do đó sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành chung, việc đi lại của học sinh; cơ sở vật chất, phòng họp chung một số đơn vị còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ để bảo đảm cho hoạt động chung toàn trường. Một số đơn vị hành chính cấp xã không thuận lợi cho việc sáp nhập với các xã liền kề, dân cư phân bố không tập trung, không xen cư với các xã lân cận; tập tục địa phương có nhiều nét không tương đồng cũng ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân; địa bàn xã mới hình thành rộng khiến cho công tác quản lý lúc đầu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ thôn Tân Lập, xã Tây Tiến (Tiền Hải) thực hiện niêm yết công khai các văn bản và danh sách cử tri tại nhà văn hóa thôn theo quy định. 

Ông Lương Văn Hướng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập, xã Tây Tiến (Tiền Hải) kiến nghị: Hiện nay, đường giao thông nối 2 xã Tây Tiến và Tây Phong chưa thuận lợi, vì vậy chúng tôi mong muốn sau khi sáp nhập 2 xã, tỉnh, huyện sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường liên xã, tạo sự thống nhất, đồng bộ. Cùng với đó, trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế cần nghiên cứu, lựa chọn đặt ở khu vực trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, khám chữa bệnh, học sinh học tập. Trước mắt, chúng tôi nhất trí các công trình sẽ đặt tại xã Tây Phong nhưng về lâu dài cần có phương án quy hoạch về vị trí trung tâm của xã mới; kiến nghị cấp trên có phương án bố trí cán bộ hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa hai địa phương.

Lãnh đạo các địa phương có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp cũng kiến nghị tỉnh sớm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ; có cơ chế hỗ trợ đối với xã sáp nhập trong quy hoạch nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hỗ trợ xây dựng trụ sở, cơ sở vật chất cho đơn vị hành chính mới.



(còn nữa)
Nhóm phóng viên

(Tác phẩm tham gia Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IX, năm 2024)