Thứ 2, 05/08/2024, 07:15[GMT+7]

Chuyện kể bên dòng sông

Thứ 7, 07/08/2010 | 15:15:13
1,929 lượt xem
Theo các tài liệu nghiên cứu, sông Trà Lý dài 63 km, lòng sông rộng từ 100 đến 200m, có các sông nhánh là Bồng Khê, La Khê, Lạc Đạo, Liêm Giang, Long Hậu, Ngu Dung, Thượng Hộ, và sông Lan, thuyền bè lưu thông rất dễ dàng. Dòng sông vẫn đêm ngày chở nặng phù sa bồi đắp lên những làng xóm bên sông và cũng chính dòng sông lại âm thầm chở đầy những câu chuyện về số phận đời người chảy mãi về nơi xa xôi...

CSGT Đường thủy Thái Bình chuẩn bị phương án tác chiến kiểm soát tuyến sông Trà Lý. Ảnh: Lê Quang Viện.

Vốn xưa, vùng đất Long Hưng - Kiến Xương được thiên nhiên ban tặng cho những con sông như vòng tay ôm trọn. Từ ngã ba sông Luộc, nơi giao tiếp giữa sông mẹ Hồng Hà và hệ thống sông hạ lưu (sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý...) đã trở thành vị trí quân sự vô cùng quan trọng được nhà Trần để ý trong lịch sử. Và, một trong những nhánh sông hạ lưu đó, dòng Trà Lý có tầm quan trọng hơn cả không chỉ về chiến lược quân sự mà còn tiềm ẩn về giá trị kinh tế.

"VÀNG" Ở ĐÁY SÔNG...

Câu chuyện "bỗng dưng đổi đời" của một ngư dân khiến dư luận trong nước mấy tháng nay vẫn còn xôn xao khi một gia đình ngư dân sống ở hạ lưu con sông Trà Lý đánh bắt được con cá sủ vàng trị giá bạc tỷ. Sau đó, cơn sốt “cá thần” bỗng dâng lên "đùng đùng" khiến các ngư dân vùng hạ lưu nô nức sắm thuyền, sắm lưới, đêm ngày giăng lưới "quần nát" vùng hạ lưu mong đánh bắt được loài "cá thần" đem đến sự giàu sang phú quý. Họ nói với nhau: "Chỉ cần trúng một con, lập tức thành triệu phú coi như đổi đời". Đang là thời điểm có lũ thượng nguồn, nước sông dâng cao rồi cuồn cuộn chảy về phía biển với màu phù sa đỏ rực ráng chiều. Hạ lưu mênh mông nước phản chiếu trên nền trời một màu phù sa đỏ, cũng là lúc loài "cá thần" sủ vàng rời khỏi nơi ẩn náu tìm ra biển. Ngư dân Nguyễn Đức Phong, người đã từng lăn lộn kiếm sống bằng nghề chài lưới nhiều năm nay kể lại: "Khoảng 8 giờ sáng một ngày nắng hạ chói chang, nhiệt độ lên đến 39 độ C, ngư dân vùng hạ lưu kết lại với nhau dùng thuyền đôi chạy song song, kéo lưới quét khắp vùng hạ lưu bỗng dưng thấy đám người trên hai con tàu gần đó reo hò, nhảy nhót như điên dại, Phong biết rằng, nhóm người trên hai con tàu nhỏ kia đã bắt được cá Sủ vàng. Làng ngư ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy con cá vẩy ánh lên sắc vàng không khác gì vàng thật. Con cá dài hơn 2m, chiều ngang bụng cỡ 0,5m". Phong ngậm ngùi: “Nhìn con cá mà mình thấy tủi vì đã làm ngư dân chục năm nay mà cơ may "trúng" cá sủ vàng vẫn chưa đến với mình. Nếu chưa trúng sủ vàng, không bao giờ lên mình lên bờ được”. Cả làng ngư hôm ấy, may mắn chỉ mỉm cười với một người đã trúng con sủ vàng. Chàng ngư dân may mắn "trúng" sủ vàng bạc tỉ đó là Bùi Văn Thắng, ở làng cá Tân Sơn thuộc thị trấn Diêm Điền. Với số tiền đó, Thắng là người trúng sủ vàng và bán được với giá cao nhất từ trước đến nay nhưng Thắng vẫn thấy tiếc vì bán con cá với giá 1,5 tỉ đồng là quá rẻ vì Thắng ngư dân ở Tân Sơn không thể biết rõ giá trị con cá. Ông Nhuệ,  một chủ buôn cá chầu trực sẵn trên bờ chờ Thắng đem cá về, mẹ Thắng phát giá 1,5 tỉ, không ngờ ông Nhuệ  không thèm mặc cả. Câu chuyện bán cá sủ vàng không dừng lại ở đó. Thắng kể lại trong nuối tiếc: "Ngay sau khi ông Nhuệ cho khiêng con cá chở đi thì một đại gia Hải Phòng điện thoại cho Thắng rằng ông ta đã liên lạc với một nhà hàng ở Trung Quốc đồng ý mua với giá 2,5 tỉ đồng Việt Nam, ông ta bảo sẵn sàng chồng tiền  để lấy ngay. Rồi một người ở Hà Nội lại điện về: “Tôi trả con cá 3,5 tỉ đồng”, cả nhà Thắng đều tiếc ngẩn, tiếc ngơ vì bán giá quá rẻ. Không phải đến tận bây giờ người ta mới biết về giá trị của cá sủ vàng, đúng ra là vào những năm của thập kỷ 80 (thế kỷ XX), khi ấy một con cá sủ vàng có giá tới vài chục triệu đồng, số tiền cũng đủ để mua được một căn hộ tận trên...thị xã Thái Bình. Ngư dân làng chài ở Tiền Hải ngày đó đã biết tên ông "vua cá sủ vàng", đó là ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Tam Bảo (Nam Hồng, Tiền Hải), người đã từng "tóm" 700 con cá sủ vàng. Ấy vậy mà ông Hiền lại sống trong một ngôi nhà tuềnh toàng ngay mép ruộng mới lạ. Theo như lời ông Hiền kể thì ông là người sinh ra trên thuyền, giỏi nghề chài lưới, do vậy, ông Hiền được mời vào HTX Bắc Hải (HTX đánh bắt hải sản). Hàng ngày, ông chỉ huy một tốp người, điều khiển hai con tàu căng lưới quét loanh quanh ven bờ thường là nơi cửa biển. Những loại cá khác ông không thèm để ý, ông chỉ quan tâm đến sủ vàng. Có những ngày ra lưới  quây đàn cá sủ vàng đang nô đùa giữa dòng nước cuồn cuộn, ông cùng các ngư dân khác kéo một mẻ được hàng chục con sủ vàng, con nào con nấy to như con lợn, vảy  vàng óng ánh. Ông kể rằng, thường thường, một mẻ lưới "trúng mánh" có thể được 20-30 con sủ vàng, mỗi con trên dưới một tạ là chuyện bình thường. Số lượng sủ vàng mà HTX của ông bắt được thì ông không thống kê nổi, còn riêng ông, đánh bắt cho riêng mình khoảng 700. Con lớn nhất trong đời mà ông Hiền bắt được là ở cửa sông Trà Lý  nặng tới 140kg, khi nó đang vào bờ đẻ cùng với đàn cá chép.

Đường đời muôn ngả, không giống như sự trông đợi vào sự "rủi - may" của số phận, một thanh niên chỉ với ý chí làm giàu bằng nội lực ở xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) đã xây dựng thành công và "ăn ra, làm nên" từ trang trại bên dòng Trà Lý. Đó là gia đình anh Phạm Bá Vang, vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khó, thuở thiếu thời, Vang đã từng phải làm nghề nhặt ngói vỡ về rồi dùng xi măng gắn lại đem bán...Khi sinh thời, Vang bỏ quê sang làm ăn tận bên LB Nga, rồi như duyên phận, Vang cưới vợ, cuộc sống tưởng sẽ gắn bó trọn đời ở nơi đất khách, quê người, nào ngờ hai vợ chồng Vang lại bàn tính cách làm giàu bằng con đường trở về quê kinh doanh trang trại ngay  bên dòng Trà Lý. Vang đã thành công.


...VÀ MỘT THÀNH PHỐ HOA LỆ TRONG TƯƠNG LAI


Không phải thành phố nào cũng được tự nhiên ban tặng cho một dòng sông thơ mộng chảy qua như thành phố Thái Bình - Sông Trà Lý như trục chính phân chia thành phố Thái Bình thành 2  khu Bắc và Nam rõ rệt, trên đó hiện đang có 3 cầu lớn bắc qua sông. UBND tỉnh đã có quyết định số 20/2003-QĐUB phê duyệt quy hoạch chung thị xã Thái Bình đến năm 2020 và một dấu mốc quan trọng là năm 2003 thị xã Thái Bình đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại III, đến năm 2005 Chính phủ đã có Nghị định công nhận Thái Bình là thành phố thuộc tỉnh. Thành phố Thái Bình tuy là thành phố trẻ nhưng có vị trí quan trọng nằm trên đường Quốc lộ số 10 với diện tích 4.330ha. Cơ cấu kinh tế của thành phố hiện tại là 5,75% nông lâm ngư nghiệp, 44,55% công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, 49,7% dịch vụ, đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, theo hướng đẩy nhanh tỷ trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, hạ thấp tỷ trọng nông nghiệp, tập trung vào nhiệm vụ đô thị hoá. Thành phố hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp nhà nước đã từng bước cổ phần hoá, 2.000 cơ sở tư nhân, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất công nghiệp bao gồm: Dệt, may mặc, giầy da, cơ khí, chế biến thực phẩm nông sản, sản xuất VLXD, hàng thủ công mỹ nghệ. Có 4 khu công nghiệp lớn do tỉnh quản lý đó là khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Khu CN Phúc Khánh, khu CN Gia Lễ, khu CN Sông Trà với diện tích khoảng 400 ha, trong đó có 3 cụm công nghiệp. Dịch vụ du lịch nhằm vào khai thác nội địa với khoảng 20 khách sạn, nhà nghỉ, hàng chục trung tâm dịch vụ thương mại. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân liên tục được cải thiện. Trên địa bàn thành phố có 2 khu đô thị lớn là: Nguyễn Đức Cảnh, Kỳ Bá đang  quy hoạch xây dựng 3 khu đô thị mới. Hiện có 4 bệnh viện được đầu tư tương đối hiện đại với khoảng 1.100 gường bệnh. Có hai trường Đại học là Đại học Y khoa, Đại học Công nghiệp; 6 trường Cao đẳng và trung cấp nghề...Cơ sở thương mại dịch vụ với hệ thống chợ, trung tâm thương mại ngày một phát triển, thành phố đang xây dựng khu liên hợp thể thao với quy mô lớn và hiện đại tại phường Hoàng Diệu. Giao thông trong thành phố được xây dựng khép kín, nhựa hoá, các đường liên phường xã cũng được thảm bê tông nhựa. Hướng phát triển không gian của thành phố trong tương lai lấy trục chính là sông Trà Lý, mở rộng không gian về phía Bắc đến hết địa phận xã Đông Thọ và Đông Mỹ, phía Nam hết địa phận xã Vũ Lạc, phía Đông đến hết địa phận xã Vũ Đông...Hoàn thành mạng lưới đường vành đai phía Bắc và phía Nam thành phố, xây dựng thêm một cầu từ Trần Lãm đến Hoàng Diệu tạo thành vành đai khép kín thành phố, điều chỉnh, phân khu chức năng phù hợp với tiêu chuẩn đô thị loại II. Phạm vi mở rộng thành phố gồm các xã: Đông Thọ: 243ha, Đông Mỹ 422,3 ha của huyện Đông Hưng; xã Vũ Lạc 747,3ha, xã Vũ Đông 646,3 ha của huyện Kiến Xương; xã Tân Bình huyện Vũ Thư 379ha, tổng diện tích mở rộng của thành phố là 2328ha. Sau khi điều chỉnh mở rộng thành phố có tổng diện tích là 6773ha. Tổng dân số sau khi mở rộng là 177.478 người, đến năm 2015 có trên 95% số lao động có việc làm trong đó lao động được đào tạo chiếm khoảng 40-45%. Đường vành đai phía Nam song song với đường trục Trần Lãm và phía Nam sẽ khép kin địa giới hành chính của thành phố, xây dựng mới đường chân đê Trà Lý, đường bờ sông 3/2, đường trục từ Cầu Bo cũ đi Đông Hưng, củng cố và nâng cấp hệ thống đường nội bộ. Hệ thống giao thông của thành phố sẽ khép kín, thông thương với các tỉnh lân cận và các huyện trong tỉnh. Nâng công suất hai nhà máy nước hiện có của thành phố bảo đảm 150 lít/người ngày. Xây dựng thêm một nhà máy nước tại khu vực Hoàng Diệu. Củng cố nâng cấp hệ thống thoát nước, thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử  lý nước thải tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh bảo đảm thoát nước cho  khu dân cư và khu công nghiệp phía Bắc thành phố...Phấn đấu trong những năm tới đạt bình quân 10-12m2 sàn/người nhà ở vì vậy thành phố tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh các khu đô thị đã duyệt như khu đô thị Nguyễn Đức Cảnh, khu đô thị Kỳ Bá, Trần Lãm, dự kiến xây dựng thêm một số khu đô thị phía Bắc, phía Nam, khu đô thị Hoàng Diệu, phấn đấu xoá bỏ các nhà dột nát, xây dựng các khu đô thị văn minh hiện đại, xây dựng 3 công viên vui chơi giải trí tại khu đô thị Trần Hưng Đạo, Kỳ Bá và Hoàng Diệu, bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo tiêu chuẩn đô thị.


Thực hiện các tiêu chí xây dựng tuyến sông Trà Lý an toàn và cụm xã an toàn, góp phần xây dựng thành phố Thái Bình xanh, sạch, đẹp, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy (Cảnh sát giao thông Thái Bình) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền các phường, xã đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội trên tuyến sông. "Vàng" không chỉ chảy trên mặt sông, "vàng" còn ở đáy sông, ngoài nguồn lợi thủy sản do sông Trà Lý đem lại,  lượng cát được khai thác hàng năm trên tuyến sông này cũng có thể lên tới hàng tỷ tấn. Mới đây, phòng PC36 và Công an bảy huyện, thành phố có tuyến sông Trà Lý đi qua thống nhất kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ nguồn tài nguyên lặn sâu trong lòng con sông hiền hòa chở nặng phù sa bồi đắp lên những làng quê trù mật.

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày