Thứ 2, 29/07/2024, 15:28[GMT+7]

NHỮNG ĐÔI BÀN TAY DIỆU KỲ

Thứ 5, 14/10/2010 | 08:51:43
1,963 lượt xem
Là người giàu nghị lực, ước mơ được cống hiến hết mình cho dù không được may mắn như những người bình thường khác.

Mặc dù mất đi đôi bàn tay nhưng bác Trần Đức Mô vẫn dùng phần còn lại của hai cánh tay để viết văn, làm thơ.

Con đường gệnh ghềnh đưa tôi đến xã cuối cùng của huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam để tìm gặp nhà văn Trần Đức Mô - "Nhà văn trời đầy" như nhiều gọi vẫn gọi. Mặc dù mất đi đôi bàn tay nhưng bác Trần Đức Mô vẫn dùng phần còn lại của hai cánh tay để viết văn, làm thơ. Bác đã có nhiều truyện ngắn, ký đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương với bút danh Từ Thiết Linh.

 

Học hết lớp 9 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bác lên đường cùng với thanh niên trong huyện làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Phục viên trở  về bác tiếp tục theo học trường Trung cấp xây dựng và được trường giữ lại giảng dạy. Tai nạn bất ngờ đến khi bác đang cho học sinh học thực hành thì đường dây điện cao áp chạy qua đã cướp đi đôi tay bác. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai người vợ hiền tần tảo. Đau xót và cơ cực đã có lúc tủi thân bác chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Người ta tưởng rằng cuộc đời bác như thế là đã hết.

 

Nhưng ngay sau khi vết thương lằn hẳn, bác bắt đầu tập làm những công việc nhỏ nhặt. Dần dần bác cũng ra đồng cày quốc để đỡ đần vợ con. "Quê nghèo chỉ có đồng ruộng không làm thì lấy gì mà ăn" bác tâm sự. Có lần khi mọi người làm đồng đã về hết, vô tình bác dẫm phải mảnh thủy tinh. Không có đôi bàn tay bác loay hoay không biết rút ra như thế nào, càng tìm mọi cách để đẩy ra thì mảnh thủy tinh lại càng lún sâu vào... Một ví dụ nhỏ như thế để thấy được cái khó khăn nếu thiếu đi đôi bàn tay.

 

Vậy mà bác lại tập cầm bút để viết văn. Bác cũng đã tập cầm bút bằng chân nhưng không được, bác dùng cách kẹp hai khủy tay còn lại để viết.

 

Ban đầu chữ cứ nghệch ngoạc như đứa trẻ lần đầu tiên cầm bút vậy nhưng dần dần nhờ công luyện tập chữ đẹp hẳn lên mà thực sự chữ bác đẹp lắm, nó thanh thoát, cẩn thận và cần mẫn hiện rõ một chất lính trong con người bác vậy. Bác bắt đầu viết văn từ năm 1989, ban đầu chỉ là viết về chính bản thân mình viết về những nỗi cơ cực. đắng cay của bản thân rồi bác viết về quê hương, viết về những điều xảy ra xung quanh mà minh được mắt thấy, tai nghe.

 

Tác phẩm đầu tiên của bác được đăng báo vào năm 1991. Từ đó bác chuyên viết truyện ngắn cho các báo với bút danh Từ Thiết Linh. Năm nay tuy đã bước sang tuổi 65 nhưng đôi mắt của bác vẫn còn tinh tường.

 

Bác pha nước, rót nước mời tôi một cách thuần thục bằng hai khủy tay rồi chậm trãi tâm sự chuyện đời, chuyện làng mà bác lấy đó làm cảm hứng để viết văn. Năm 2000, bác hoàn thành truyện "Bến Lỡ" với 7 truyện ngắn. Tập truyện là cuộc đời của những con người dang dở sau chiến tranh, những cuộc hôn nhân đầy định kiến của vùng quê, thành kiến của dư luận xã hội và những mảnh đời bất hạnh. Tập truyện cũng như lời than thở của bác viết cho chính bản thân mình.

 

Năm 2006 bác tham gia cuộc thi sáng tác văn học viết về đề tài công nhân do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Hội nhà văn Hà Nam phát động và giành giải Nhất. Khi bác lên nhận phần thưởng ai cũng ngỡ ngàng và xúc động. Sau hai năm nghiền ngẫm bản thảo tập truyện ngắn và ký "Miền quê trăn trở" của bác với 16 truyện được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2004. Ngoài ra bác còn sáng tác trên 200 bài thơ.

 

Bác vừa mới  hoàn thành xong Tập truyện "Rong ruổi miền quê" và đang chờ giấy phép phát hành. Bác còn hy vọng rằng sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc một cuốn tiểu thuyết truyện ở quê mà bác đang tập trung viết. Đề tài mà bác tập trung phản ánh là đời sống của những con người dân quê mộc mạc, giản dị nhưng ẩn chứa những điều sâu kín nhất. Mảnh đất với những con người mà như bác tâm sự là kể mải mà không bao giờ hết chuyện.

 

Cảm phục trước tài năng của một con người giàu nghị  lực vươn lên trong cuộc sống, đầu năm 2007 công ty Võng xếp Duy Lợi đã tặng bác dàn máy vi tính với hy vọng bác sẽ đỡ được phần nào những vất vả trong quá trình viết văn. Bác lại một lần nữa mày mò cách làm quen với máy tính và quả thật không có gì ngăn cản được con người giàu nghị lực và tài năng sáng tạo như bác. Bác đã dùng bao tay kẹp với thanh gỗ nhỏ để ấn lên từng bàn phím. Đó quả thật là sự bất ngờ cho tôi vì bác tập đánh với hai thanh gỗ nhỏ theo kiểu 10 ngón mà tôi thực sự cảm phục.

 

Ngoài công việc viết văn, bác còn trồng cây thuốc Đông y mà bác đã học được trong quá trình đi bộ đội để chữa bệnh ngoài da và được rất nhiều người tín nhiệm tìm đến. Khác với bác Mô bác Nguyễn Hữu Tiến ở thôn Hoàng Đông huyện Duy Tiên lại không may mắc phải căn bệnh dị tật quái ác ngay từ khi mới sinh ra. Cả hai bàn tay duy nhất chỉ có một ngón út mà nó lại cong queo khác thường.

 

Khi đến tuổi đi học bác nằng nặc đòi cha mẹ cho đi như bao đứa trẻ khác. Lần đầu tiên cầm bút viết với bác quả thật là công việc vô cùng khó khăn. Bác tâm sự "Tôi tìm dủ mọi cách để có thể giữ được cây bút trên tay. Lúc đầu dùng dây chun để buộc bút vào ngón tay khiến cho ngón tay tụ máu phồng rộp lên nhiều chỗ. Khi đau quá tưởng chừng như mình không thể thực hiện tiếp được ước mơ đến trường như các bạn vậy là lại cố gắng luyện tập". Nhờ sự phấn đấu không ngừng nghỉ trong những năm học tiểu học bác luôn đạt học sinh giỏi của trường và là người có nét chữ đẹp.

 

Tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Trung bác xin về giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Huệ tỉnh Hà Tây. Năm 1964, bác được mời đi làm phiên dịch ở Quảng Đông, Trung Quốc. Sau một thời gian bác về nước và chuyển công tác sang Ngân hàng Công thương Hà Nam giữ chức vụ Trưởng phòng tổ chức. Năm 1992, bác về hưu. Hiện nay, nhờ có trình độ Tiếng Trung và khả năng sư phạm bác thường được các Công ty xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Trung Quốc mời làm giảng viên dạy tiếng.

 

Không chỉ có khả năng viết chữ đẹp bác còn làm nhiều công việc đòi hỏi sự phức tạp và tỉ mỉ. Vườn cây cảnh của nhà bác là một minh chứng rõ rệt cho việc khéo léo của đôi bàn tay diệu kỳ. Những cây cảnh với dáng đứng đẹp mắt là kết quả của sự kiên trì hàng năm trời của bác. Ngoài những cây cảnh thông thường như vạn tuế, si, lộc vừng... thì bác còn biến những cây rừng tưởng như không có giá trị thành những cây có thế, có hồn. Hiện trong vườn cây cảnh của bác có những cây có giá trị hàng chục triệu đồng. Bằng đôi bàn tay đặc biệt ấy bác còn là tác giả của những hình trang trí phông nền đẹp mắt góp phần làm đẹp cho những đôi trẻ trong ngày cưới.

 

Chia tay với những tâm sự trong lòng tôi còn chưa hết. Tôi lâng lâng cảm phục những con người không may mắn nhưng đầy nghị lực và ước mơ cống hiến. Văng vẳng bên tay tôi còn như in câu nói của hai bác "Nếu tôi còn sống thì tôi sẽ còn viết, còn làm, còn cống hiến để biết rằng mình đang có ích". 

 

Bài và ảnh: Bình Vân (Công an Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày