Chủ nhật, 11/08/2024, 22:23[GMT+7]

"LỆCH PHA" DÂN SỐ VÀ BÀI HỌC MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH

Chủ nhật, 15/08/2010 | 10:12:26
2,257 lượt xem
Tôi chạnh lòng nghĩ về quê mình, một vùng quê mới thoát khỏi cảnh đói nghèo mà giờ đây đang rơi vào trong tình trạng "khát" con trai. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tìm mọi cách để có con trai, do vậy mới xảy ra cảnh sản phụ nô nức kéo nhau đi siêu âm ba chiều để phát hiện sớm thai nhi. Nếu là thai nhi gái, lập tức lấy cớ để "cho ra".

Mất cân bằng giới tính dẫn đến tình trạng nhiều đàn ông Trung Quốc sống đọc thân.

Một phóng viên của tờ báo địa phương xuất bản hằng ngày ở Quảng Châu (Quảng Đông - Trung Quốc) nói với tôi, anh đang có ý định sang Việt Nam để viết một phóng sự về chuyện "lấy chồng ngoại quốc" của phụ nữ Việt Nam. Anh ta nói rằng, một số tờ báo và trang web tung tin rằng, đàn ông ngoại quốc đến Việt Nam rất dễ dàng chọn lựa cho mình một người vợ trẻ và xinh, trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên. Thoạt nghe, tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ, có một nỗi xót xa dâng trào, thương thay thân phận "thắt đáy, lưng ong" đã và sắp làm dâu xứ người. Mới đây trong lần dã ngoại, tôi được Chung Khang Hữu, một thanh niên bản xứ dẫn tôi đến thăm một ngôi làng cách xa Thành phố Quảng Châu chừng 600 km, nơi đây có khá nhiều cô gái Việt Nam dạt sang lấy chồng.

Họ quê ở nhiều tỉnh của Việt Nam, biết tôi là người Việt mới qua, các cô xúm lại hỏi han tình hình trong nước. Lúc chia tay, tôi không khỏi xót xa khi nhìn những bàn tay yếu ớt vẫy vẫy tạm biệt tôi. Hữu nói với tôi rằng, những vùng xa trung tâm của Trung Quốc, rất nhiều gia đình không có bóng dáng phụ nữ, trong nhà toàn đàn ông. Một nỗi khổ day dứt họ là đàn ông lớn tuổi rồi mà không có vợ bởi họ không thể lấy được vợ.

Cả làng chiếm đa phần là đàn ông, do vậy họ phải đi thật xa để lấy vợ. Phụ nữ bên này đắt giá lắm, một nam thanh niên trưởng thành muốn lấy được vợ thì gia đình phải thật giàu có, thật nhiều tiền mới dám làm đám cưới. Tuy vậy, tập quán "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn nặng nề. Nếu người phụ nữ được lấy về làm vợ của họ mà đẻ được con trai thì được cả gia đình, dòng họ quý mến, thậm chí không phải đi làm (họ chỉ được đẻ một con). Còn nếu đẻ con gái thì bị hắt hủi, phải bươn chải kiếm sống...Tôi chạnh lòng nghĩ về quê mình, một vùng quê mới thoát khỏi cảnh đói nghèo mà giờ đây đang rơi vào trong tình trạng "khát" con trai.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ tìm mọi cách để có con trai, do vậy mới xảy ra cảnh sản phụ nô nức kéo nhau đi siêu âm ba chiều để phát hiện sớm thai nhi. Nếu là thai nhi gái, lập tức lấy cớ để "cho ra". Nếu kéo dài, thì chỉ khoảng non thập kỷ nữa, Thái Bình và cả Việt Nam sẽ rơi vào hoàn cảnh khủng hoảng thừa nam giới, thiếu nữ giới trầm trọng. Đành rằng hiện nay, đâu đó có xảy ra tình trạng "thừa" phái đẹp, khiến cho các thiếu nữ Việt Nam phải tìm cách lấy chồng ngoại, ngoài ước muốn giàu sang còn mong ước lấy được tấm chồng để nương tựa.

Đó là nỗi buồn, nỗi xót xa chứ đâu phải là niềm vui?. Nỗi xót xa đó phải chăng là do hậu quả của sự bùng nổ dân số ở Việt Nam cuối thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, hay là do nguyên nhân của quá trình nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân có quan niệm cần phải có "thằng cắm hương"? Tôi nhớ lời của TS Christophe Guilmoto, chuyên gia Quỹ bảo vệ bà mẹ và trẻ em của Liên Hiêp Quốc (UNFPA) trong một hội thảo về mất cân bằng gới tính: "Xu hướng ưa thích con trai vẫn tồn tại mạnh mẽ xuyên suốt các nước Châu Á.

Mất cân bằng giới còn giảm sự tham gia của nữ và giảm sức nặng của các yếu tố chính trị. Nghiêm trọng hơn, mất cân bằng giới sẽ khiến tình trạng buôn bán phụ nữ, bạo lực về giới và các nhu cầu về tình dục thương mại gia tăng. "Công nghệ môi giới hôn nhân" vì lợi nhuận dẫn tới di cư quốc tế đang ngày càng phổ biến ở phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo của Việt Nam. Hậu quả, nhiều phụ nữ lâm vào tình trạng bị đối xử tàn bạo, bóc lột lao động, quấy rối tình dục...tại nơi đất khách quê người". Các chuyên gia tâm lý phân tích rằng: "nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này vẫn là quan niệm trọng nam của những bậc làm cha, mẹ.

Mặc dầu, những năm gần đây cái nhìn về "phận nữ" trong xã hội đã cởi mở. Vai trò và vị trí của phụ nữ được nâng cao và được khẳng định hơn. Tuy nhiên, cũng như một số nước ở châu Á, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Việt Nam vẫn còn nặng nề. Cách đây 10 năm, tỉ lệ giới tính ở Việt Nam ngang bằng với mức độ trung bình của thế giới nghĩa là cứ 100 bé gái thì có 105 - 107 bé trai, nhưng trong vài năm trở lại đây, số lượng bé trai đã tăng lên đáng kể. Ở nhiều vùng, số bé trai đã vượt số lượng bé gái từ 20%- 25%". Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, tại một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và duyên hải, tỉ lệ giới tính khi sinh đã có sự chênh lệch cao và rất cao so với mức bình thường.

Có tới 16 tỉnh tỉ lệ giới tính khi sinh từ 115 đến 128 nam/100 nữ và 20 tỉnh là 111 đến 120 nam/100 nữ. Cũng theo nghiên cứu này, 2/3 số phụ nữ biết giới tính của con trước khi sinh, 98% trong số đó là qua siêu âm. Trong khi tại các bệnh viện, việc công bố giới tính thai nhi là điều nghiêm cấm thì tại các phòng khám tư nhân, việc làm này dường như dễ dàng hơn khi bác sĩ nói miệng hoặc sử dụng một cách ví von để sản phụ dễ dàng tìm ra đáp án.

Còn theo điều tra mới nhất về các vấn đề nóng của dân số Việt Nam của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy, năm 2007 cứ 112 bé trai ra đời mới có 100 bé gái được sinh ra, cao hơn năm 2006 và hơn mức bình thường (tỷ lệ 107/103). Đáng chú ý, năm 2007 có tới 35 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh là 110 bé trai/100 bé gái trở lên, trong khi đó năm 2006 có 19 tỉnh. Theo phân tích của các chuyên gia dân số, tình trạng phụ nữ đi phá thai vì giới tính của Việt Nam đã tăng cao, đưa nước ta vào danh sách một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo mới đây, trung bình một phụ nữ Việt Nam có thể nạo phá thai tới 2,5 lần trong đời.

Các chuyên gia tâm lý nhận định: Sự mất cân bằng giới tính thiên về nam giới sẽ làm gia tăng mâu thuẫn xã hội, do số nam giới không tìm được bạn tình và có một số lượng không nhỏ đàn ông không thể lấy được vợ. Nhiều nam giới không tìm được bạn tình hoặc vợ sẽ lâm vào tình trạng quá khích, hung bạo. Đương nhiên, góc độ xã hội thì thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và tệ nạn mại dâm.

Tôi đang đứng trên đất nước Trung Quốc, thấm hiểu bài học mất cân bằng giới xảy ra ở đất nước chiếm một phần năm dân số thế giới này. Bài học của nước bạn "không nhẽ" không có tác động đến thái độ, ý thức của mỗi một công dân của Thái Bình, của Việt Nam? Thật buồn khi nhìn thấy các phòng khám sản khoa, siêu âm ba, bốn chiều mở ra tới tấp ở Trung tâm Thành phố Thái Bình và, ai dám chắc rằng, chỉ không lâu nữa, các huyện trong tỉnh cũng "nở rộ" những phòng khám siêu âm, giúp cho các sản phụ xác định giới tính thai nhi và đẻ theo yêu cầu!

Về luật phápviệc lựa chọn giới tính thai nhi đã bị ngành y tế nghiêm cấm, nhưng nỗi "khát" con trai vẫn hoành hành đẩy phụ nữ đi đến tình trạng phá thai. Vì chiều chồng và đôi khi lại chính là ước muốn của chị em mà nhiều phụ nữ sẵn sàng phá thai nếu biết mình đang mang thai con gái và bất chấp điều đó có hại như thế nào đối với sức khỏe. Thực tế ở nông thôn, nơi không có khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm đã xảy ra tình trạng có nhiều phụ nữ "vô tư" đẻ con thứ 3, thậm chí nhiều hơn thế nữa, đến khi có con trai.

 Sự khủng hoảng này là mối đe doạ cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến bùng nổ dân số. Các chuyên gia dân số cảnh báo dân số Việt Nam đang tăng ở mức báo động, tình trạng chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh đang trở thành mối lo ngại. Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN (Gửi về từ Quảng Châu - Trung Quốc)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày