Thứ 4, 25/12/2024, 02:10[GMT+7]

Giữ gìn “hồn cốt” quê hương

Thứ 2, 16/09/2024 | 09:52:28
23,931 lượt xem
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống xã Việt Thuận (Vũ Thư) biểu diễn tại giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao cấp tỉnh năm 2023.

Lan tỏa giá trị truyền thống

Tại xã Việt Thuận (Vũ Thư), bà Lưu Thị Bích Nhương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống được tin tưởng giao nhiệm vụ viết lời mới cho các tiết mục chèo, “đạo diễn” dàn dựng múa hát... Bà cho biết: Năm 2016, Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống được thành lập, “lửa chèo” vẫn được các thành viên giữ gìn và phát huy, đặc biệt trong dịp lễ hội. Sau những ngày lao động vất vả, cứ cuối tuần Câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt để chị em giao lưu, tập luyện những làn điệu chèo, lồng ghép triển khai hoạt động hội. Nhờ đó, các phong trào, công tác hội trở nên phong phú, hiệu quả hơn. 

Cùng với Việt Thuận, ở nhiều địa phương trong tỉnh, từng làn điệu chèo ngân nga, những người phụ nữ, những nghệ sĩ không chuyên đã và đang đưa nghệ thuật chèo đi vào đời sống, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống quê hương. 

Hội viên, phụ nữ trong tỉnh còn tham gia xây dựng văn hóa, con người Thái Bình từ gia đình, gắn với vai trò, trách nhiệm của phụ nữ. Những giá trị truyền thống của gia đình như sự thủy chung, hòa thuận, hiếu nghĩa, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước... được nuôi dưỡng từ mỗi mái nhà, từ sự dạy bảo của những người bà, người vợ, người mẹ. Giữa vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, lối sống nghĩa tình “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tắt lửa tối đèn có nhau”, được nhân dân Thái Bình nói chung, cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng coi trọng. Bà Trần Thị Lương, thôn Đồng Xuân, xã Thái Hưng (Hưng Hà) kể: Bão số 3 làm tốc mái ngói nhà. Chị em phụ nữ đã hỗ trợ dọn dẹp, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ kinh phí để nhà tôi lợp lại mái. Bà cho biết thêm, nơi bà ở mỗi khi nhà ai có việc hiếu, việc hỷ hay sửa nhà, cất nhà thì cả xóm, chị em trong khu cùng giúp, giảm chi phí thuê bên ngoài mà tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. 

Làm giàu thêm bản sắc văn hóa con người Thái Bình 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Hội xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ mọi mặt bằng nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú. 5 năm qua, các cấp hội xây dựng hơn 1.400 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, trong đó có 155 câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống; hội viên, phụ nữ luôn tham gia đông đảo và giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động, sự kiện chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, của Đảng, của hội. Toàn tỉnh có 2.179 câu lạc bộ dân vũ, yoga, aerobic, khiêu vũ, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ, múa lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, giúp nâng cao đời sống tinh thần của phụ nữ. Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh do hội phụ nữ phát động đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần loại bỏ dần những hủ tục ra khỏi đời sống cộng đồng. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà hỗ trợ gia đình hội viên bị ảnh hưởng của bão số 3.  

Cùng với đó, các cấp hội tập trung tuyên truyền hội viên, phụ nữ tích cực truy cập và sử dụng trang thông tin chính thống và đọc báo Đảng; có ý thức phê phán, đấu tranh với các sản phẩm văn hóa độc hại. 

Bà Lê Thị Minh Thơ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiền Hải cho biết: Đến nay, các xã, thị trấn có “Tủ sách phụ nữ” hoạt động hiệu quả, sử dụng Báo Phụ nữ Việt Nam, Thông tin Phụ nữ Việt Nam, bản tin sinh hoạt hội viên. Bên cạnh đó, các cấp hội thường xuyên cung cấp, viết tin, bài tuyên truyền về truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, các cơ quan thông tin đại chúng, trang fanpage của hội. Các cấp hội cũng thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội về các hoạt động: văn hóa, trò chơi điện tử, kinh doanh băng đĩa hình... ở địa bàn dân cư, kịp thời góp ý chính quyền địa phương chấn chỉnh, ngăn ngừa các sản phẩm văn hóa độc hại ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh cho thanh thiếu niên. 

Bà Nguyễn Thị Phượng khẳng định: Truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của ông cha đã và đang được các các cấp hội gìn giữ và phát huy, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa, nhân cách tốt đẹp. Đây là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Phụ nữ tham gia các công đoạn dệt đũi ở Nam Cao (Kiến Xương). 

Xuân Phương

Tác phẩm tham gia giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024.  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày