Thứ 7, 27/07/2024, 00:33[GMT+7]

Kinh nghiệm rút ra từ 7 vùng chăn nuôi tập trung thí điểm

Thứ 5, 30/06/2011 | 07:07:17
2,984 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết 12, ngày 2/8/2004 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giai đoạn 2004 – 2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN & PTNT phối hợp với UBND các huyện lựa chọn 7 xã thực hiện xây dựng thí điểm 7 vùng chăn nuôi tập trung. Sau 5 năm triển khai thực hiện, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có lãi, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa. Các tin, bài liên quan: >> Vì sao chững lại? >> Cánh chim đầu đàn về hiệu quả kinh tế >> Để vù

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, hầu hết các vùng chăn nuôi tập trung đều chưa đạt. Qua thực tế này đã được rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để tiến tới phát triển trang trại quy mô lớn, nhằm đáp ứng kịp thời xu thế phát triển tất yếu của lĩnh vực chăn nuôi trong những năm tới.

 

7 vùng chăn nuôi tập trung gồm: Vũ Thắng (Kiến Xương), Nam Thắng (Tiền Hải), An Tràng (Quỳnh Phụ), Đông Đô (Hưng Hà), Vũ Tiến (Vũ Thư), Thuỵ Ninh (Thái Thuỵ), Đông Kinh (Đông Hưng). Các vùng trên tỉnh đã giao cho các huyện làm chủ đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch, tổng diện tích đất của 7 vùng là 99,24 ha. Với tổng kinh phí 18,356 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 13,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4,39 tỷ đồng, dân góp 60 triệu đồng, Các vùng chăn nuôi tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá toàn diện, đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại.

 

Đến nay có 126 hộ ở 6 xã/6 huyện ra vùng chăn nuôi tập trung, với diện tích sử dụng 61,48 ha, vốn  đầu tư sản xuất 29.368 triệu đồng, bình quân 233 triệu đồng/hộ. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Sở Nông nghiệp &PTNT cho thấy, trong 7 vùng chỉ có 2 vùng phát triển khá mạnh là Thuỵ Ninh và Đông Kinh. Hiện tại, vùng chăn nuôi tập trung ở Thuỵ Ninh có tổng đàn lợn 991 con (121 lợn nái, 870 lợn thịt), chiếm khoảng 23,05% tổng đàn lợn toàn xã; đàn gia cầm có 13.120 con, chiếm 23,4% tổng đàn của cả xã.

 

Vùng chăn nuôi tập trung ở Đông Kinh, đàn lợn có 930 con, chiếm 20%, đàn gia cầm 12.500 con, chiếm 25% tổng đàn toàn xã. Nhìn chung, các vùng chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi tổng hợp( lợn , gia cầm và cá); lợi nhuận bình đạt 49,6 triệu đồng/hộ/năm, cao nhất là Đông Kinh đạt 70,65 triệu đồng/ hộ.

 

Đánh giá đúng thực trạng, các vùng chăn nuôi tập trung tuy có hiệu quả kinh tế, nhưng chưa tương xứng với quy mô cơ sở hạ tầng mà tỉnh đã đầu tư và chưa đáp ứng mục tiêu chăn nuôi công nghiệp hiện đại. Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nghe và cho ý kiến kết quả của 7 vùng chăn nuôi tập trung, ông Nguyễn Hữu Rong, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế: đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng này khá hiện đại, nhưng chủ trang trại lại sản xuất quy mô quá nhỏ; phát triển không bền vững và không áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất..

 

Trong những năm qua, thực tế đã chứng minh các vùng chăn nuôi tập trung này chưa phát huy được hiệu quả cao, nguyên nhân do việc lựa chọn hộ vào sản xuất không bảo đảm theo đúng tiêu chí của dự án đề ra. Các hộ do địa phương lựa chọn chủ yếu xuất phát từ nguyện vọng mà chưa tính đến khả năng tài chính, trình độ quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường...của họ. Do đó, khi bắt tay vào sản xuất nhiều hộ không đủ vốn đầu tư, không phát triển được chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện đại, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng. Ngoài ra, khi chọn hộ còn nể nang, không căn cứ vào tiêu chí, nên những hộ có khả năng tài chính, khoa học kỹ thuật lại không được xét duyệt ra đầu tư.

 

Bên canh đó, một số vùng còn để các hộ ra đầu tư tuỳ tiện xây dựng nhà ở kiên cố, biến vùng chăn nuôi thành địa bàn giãn dân, như vùng chăn nuôi tập trung ở Đông Kinh, An Tràng, đặc biệt là chưa có sự thống nhất hướng dẫn của các cơ quan chức năng về đất đai, nên đa phần các hộ chăn nuôi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến các hộ có điều kiện không yên tâm đầu tư mở rộng quy mô; hộ thiếu vốn không có cơ sở để thế chấp vay vốn ngân hàng...

 

Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, trong thời gian tới phải phát triển nhanh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, khai thác tiềm năng, lợi thể để đưa chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao, tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, chăn nuôi phải tuân theo quy hoạch, phù hợp với quy hoạch nông thôn mới, phát triển lâu dài, bền vững và bảo đảm môi trường; từng bước áp dụng hình thức tự đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm....

 

Qua thực tế từ 7 vùng chăn nuôi tập trung trên, bài học cho thấy để xây dựng thành công các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải lựa chọn được những nhà đầu tư chăn nuôi có đủ tiềm lực về tài chính, khả năng quản trị kinh doanh tốt; không phân biệt địa giới khi chọn hộ. Trong quản lý cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ của nhà nước, đây là nguồn lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tăng cường phối hợp đồng bộ trong công tác chỉ đạo...                                                                      

 

Bài: Nguyên Bình

Ảnh: Hiền Trâm

  • Từ khóa