Thứ 2, 20/05/2024, 16:59[GMT+7]

Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Nghề và làng nghề ở Quốc Tuấn

Thứ 5, 26/08/2010 | 15:29:02
2,444 lượt xem
Từ khi có Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề và làng nghề, Quốc Tuấn tích cực triển khai và đã tạo nhiều thuận lợi duy trì phát triển làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới về địa phương. Từ đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày.

Phụ nữ Quốc Tuấn với nghề mây tre đan xuất khẩu. Ảnh: Thành Tâm

Quốc Tuấn là một xã thuần nông của huyện Kiến Xương, có tổng diện tích đất tự nhiên 686 ha; trong đó, diện tích đất cấy lúa chiếm 56,12%. Trước đây, người dân ở Quốc Tuấn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên thu nhập còn rất thấp. Quốc Tuấn có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận: làng nghề Thụy Bích (năm 2003) và làng nghề Đắc Chúng (năm 2004). Làng nghề Thụy Bích chủ yếu sản xuất mây tre đan, VLXD và tấm đệm lót; có tổng số 1.320 hộ, 1.102 người trong độ tuổi lao động; trong đó, số hộ làm nghề 522 hộ (chiếm 39,5%), số lao động làm nghề 694 người (chiếm 63%).

Làng nghề Đắc Chúng chủ yếu sản xuất mây tre đan và thêu ren; có tổng số 915 hộ, 898 người trong độ tuổi lao động; trong đó, số hộ làm nghề 368 hộ (chiếm 40,2%), số lao động làm nghề 533 người (chiếm 59%). Toàn xã có 6 cơ sở sản xuất tấm đệm lót, 4 cơ sở mây tre đan, 2 cơ sở sản xuất VLXD và 6 cơ sở khai thác cát.

Phát triển nghề và làng nghề, Quốc Tuấn có rất nhiều thuận lợi: Quỹ TDND ở địa phương đã giải quyết vốn vay giúp các tổ hợp duy trì và mở rộng quy mô sản xuất; tận dụng được thời gian nhàn rỗi của nông dân, chỉ tính riêng mây tre đan đã thu hút được 500 lao động. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn đưa một số dự án; đồng thời, trang bị kiến thức vệ sinh môi trường, xử lý chất thải giúp các tổ hợp sản xuất giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo chân đồng chí cán bộ khuyến công xã, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của gia đình anh Phạm Văn Tiếp (thôn Đắc Chúng Bắc). Cơ sở được thành lập từ năm 2002 với sản phẩm chính là gạch tuynel sử dụng lò bầu.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng đến môi trường nên đến năm 2009, anh Tiếp đã xây dựng lò liên tục kiểu đứng của Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 700 triệu đồng. Cơ sở anh Tiếp đã tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 10 lao động và 15 lao động thời vụ với mức thu nhập trung bình 1, 5 triệu đồng/người /tháng.

Trung bình 1 năm anh xuất 1,5 - 2 triệu viên gạch cho bà con quanh thôn, xã và các xã lân cận: Bình Nguyên, Thanh Tân, Trà Giang. Sau khi trừ đi các chi phí, trung bình mỗi năm anh lãi 200 triệu đồng. Khác với anh Tiếp, chị Phạm Thị Dịu - Chủ cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Hoàng Yến (thôn Thụy Dũng Nam) lại chọn mây tre đan làm nghề chính của mình.

Tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương, chị đã đi học nghề về truyền đạt lại cho chị em trong xã. Cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho 3 lao động trực tiếp với mức lương bình quân 1, 5 triệu đồng/người /tháng và hơn 150 lao động vệ tinh các xã: Quốc Tuấn, Trà Giang, An Bình, Vũ Tây, Bình Nguyên, Quyết Tiến với mức thu nhập trung bình 800 nghìn  1 triệu đồng /người /tháng.

Cùng với anh Tiếp, chị Dịu, anh Phạm Văn Năm - Chủ cơ sở sản xuất đệm lót Năm Trinh (thôn Thụy Dũng Nam) cũng là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển nghề và làng nghề ở Quốc Tuấn. Cơ sở được thành lập năm 2007 với sản phẩm là tấm đệm lót hàng Contenner xuất đi Lào và Campuchia, có 4 xưởng (3 xưởng ở Quốc Tuấn và 1 xưởng ở Bình Nguyên) và 4 máy dệt. Mỗi máy dệt có 12 người đứng máy, cứ 5, 5 phút lại dệt được 1 bó (4 tấm), trung bình 1 ca máy sản xuất được 350 tấm.

Tận dụng nguồn phế thải: giẻ rách, mùn đay, bổi cói vụn, đầu chiếu, bao bì xi măng cũ; anh Năm đã thu mua về tạo công ăn việc làm cho 90 công nhân với mức thu nhập cao nhất 2, 2 triệu đồng/người /tháng, thu nhập thấp nhất 1 triệu đồng /người /tháng. Ngoài 4 xưởng chính, cơ sở còn có các xưởng phụ: may bao bì, nghiền giẻ và chọn lọc vải.

Nhờ nỗ lực phát triển nghề và làng nghề, năm 2009, tổng giá trị sản xuất của Quốc Tuấn đạt 49, 595 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất CN - TTCN và XDCB đạt 17, 205 tỷ đồng, chiếm 34,7%. Ông Vũ Văn Nhi  Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: một trong những hạn chế lớn nhất trong phát triển nghề và làng nghề ở Quốc Tuấn đó là, sản xuất vẫn chưa tập trung, còn nằm xen lẫn trong dân cư.

Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến dân cư vẫn chưa được khắc phục. Trong thời gian tới, nhằm giữ vững và phát triển nghề - làng nghề, Quốc Tuấn cần sự quan tâm của các cấp, các ngành đến vấn đề xử lý nước thải, tạo môi trường trong lành cho nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.

Minh Hương


  • Từ khóa