Thứ 7, 28/12/2024, 18:30[GMT+7]

Vũ Thư (Thái Bình) Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Thứ 6, 27/08/2010 | 10:15:37
2,165 lượt xem
Liên tục 5 năm, Vũ Thư giữ vững vị trí là huyện xếp thứ nhì trong tỉnh về thực hiện tốt công tác DS -KHHGĐ. Kết quả 6 tháng đầu năm 2010, toàn huyện có 1.250 ca sinh (giảm 73 ca so cùng kỳ 2009), trong đó con thứ 3 là 147 ca, chiếm 11,7% (giảm 62 ca).

Chất lượng dân số ngày một nâng lên do thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ Ảnh : Ngọc Linh

Nhận thức tầm quan trọng công tác dân số nói chung và việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy nói riêng, Huyện ủy Vũ Thư đã triển khai, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở xây dựng chương trình hành động, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát; thường xuyên nghe các ngành chuyên môn báo cáo, trên cơ sở đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Do đó công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình của huyện trong giai đoạn 2001-2010.... đã khống chế được số sinh, số người sinh con thứ 3 trở lên, giữ được mức sinh thay thế.

Quy mô dân số toàn huyện tăng chậm lại. Trung bình dân số tăng mỗi năm từ 1.100 – 1.300 người. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên bình quân 0,66%; Tổng tỷ suất sinh 1,565con/bà mẹ sinh đẻ.

Để cụ thể hóa việc thực hiện 7 giải pháp trong Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng chương trình dân số giai đoạn 2001-2010. Công tác Dân số nhiều năm qua là một trong những chỉ tiêu xét thi đua các danh hiệu: Khu dân cư tiên tiến, thôn làng, cơ quan, đơn vị văn hóa, Đảng bộ, chính quyền TSVM.

Những xã có tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cao không được công nhận tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên (có 52 trường hợp) đều phải xem xét kỷ luật theo Hướng dẫn 06 của ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Quyết định 94 của Ban bí thư trung ương Đảng.

Kinh nghiệm của Vũ Thư cho thấy: Công tác chuyển biến nhận thức và hành vi về quy mô gia đình 1-2 con là giải pháp số 1 để thực hiện ổn định tỷ lệ sinh hàng năm. Việc tuyên truyền đa dạng về hình thức, có trọng tâm, trọng điểm kết hợp cả bề nổi và tư vấn nhóm nhỏ với các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên.

Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể là thành viên ban chỉ đạo công tác dân số trong huyện như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, ngành Giáo dục, Y tế, Văn hóa thông tin, Mặt trận, Cựu chiến binh, Nông dân...

Quán triệt quan điểm của Đảng, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe sinh sản /kế hoạch hóa gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình dân số Việt Nam, 10 năm qua, Huyện đã tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn nâng cao trình độ, trách nhiệm tổ chức thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tránh thai an toàn, giải quyết kịp thời tai biến, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kiểm tra, giám sát, phát hiện, điều trị các bệnh lây qua đường tình dục... Các xã, thị trấn thực hiện xã hội hóa công tác Dân số – KHHGĐ.

Từ năm 2003 trở lại đây, HĐND huyện có sự quan tâm đầu tư ngân sách hỗ trợ ban Dân số xã, thị trấn hoạt động từ 1-1, 5 triệu đồng, hiện nay là 2-3 triệu đồng /năm để sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các thôn làng, họ giáo nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2009 có 62/214 thôn (bằng 29%), 19/49 họ giáo (bằng 38,7%) không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Bộ máy cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số cơ sở được kiện toàn. Thực hiện Công điện 695 của Chính phủ thành lập trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình huyện gồm 6 biên chế, UBND huyện đã biên chế cho Trung tâm 5 người, hiện còn thiếu 1 phó giám đốc trung tâm. Toàn huyện có 30 cán bộ chuyên trách xã và 425 cộng tác viên dân số cơ sở, trong đó có trình độ cao đẳng 8, trung cấp 40, sơ cấp 35. 100% được tập huấn thành thạo nghiệp vụ truyền thông, tư vấn, cung ứng các biện pháp tránh thai đơn giản.

Chính điều đó đã giúp cho việc thực hiện chương trình Dân số của huyện và cơ sở 10 năm qua đạt hiệu quả. Chế độ báo cáo thu thập thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Các dữ liệu về dân số: số sinh, số tử, số đi, số đến được lưu giữ cập nhật hàng tháng, giúp cho việc hoạch định chính sách KT -XH ở địa phương, quản lý hộ khẩu, dân cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... 100% thôn làng toàn huyện xây dựng quy ước, hương ước tạo điều kiện tốt để thực hiện chương trình phát triển dân số bền vững.

Đến tháng 6/2010, dân số trung bình toàn huyện là 237.810 người. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm dần từ 12,6% xuống còn 11,45% (năm 2009), ước hết năm 2010 là 11%. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 78,9%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 0,71%, giảm tỷ lệ nạo phá thai từ 0,27% xuống còn 0,21%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 28,3% (2001) xuống 19,5% (2009).

Tuổi thọ trung bình đạt 74 tuổi, cao hơn mục tiêu đề ra. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm 12,1% tổng dân số. Mức sống gia đình được nâng cao: tổng thu nhập bình quân đạt 25, 5 triệu đồng/người/năm; Hộ dùng nước sạch là 90% vượt mục tiêu đề ra 10%. Gia đình chính sách, gia đình có công, gia đình có trẻ em khó khăn được quan tâm, hỗ trợ nâng cao mức sống cả vật chất và tinh thần.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ, trong những năm tới, huyện Vũ Thư đã đề ra 5 giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, sự phối kết hợp các ban ngành, đoàn thể đối với công tác DS -KHHGĐ.

Một là: Xác định đây là một trong những mục tiêu, nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, là một tiêu chí xếp loại đảng bộ, chính quyền hàng năm. Huyện xây dựng chương trình DS /KHHGĐ đến năm 2015 nhằm duy trì mức sinh thay thế, ổn định quy mô chất lượng dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 10%.

Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi của mọi người, nhất là nơi đông giáo dân, có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, nơi có tỷ lệ giới tính cao. Tạo sự tác động đồng bộ trên các kênh thông tin và truyền thông ở cơ sở. Biểu dương, nhân rộng gương tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Ba là: Nghiêm túc triển khai Đề án 26 của HĐND tỉnh, bố trí đủ kinh phí hoạt động cho bộ máy Dân số các cấp.

Bốn là: Lồng gắn các chương trình Dân số của huyện với chương trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội

Năm là: Kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy dân số cơ sở, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ dân số - cộng tác viên cơ sở, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, kịp thời, chính xác giữa liên ngành y tế – dân số – thống kê.

P.V

 

  • Từ khóa