Thứ 2, 20/05/2024, 15:40[GMT+7]

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu"

Thứ 4, 01/09/2010 | 08:15:18
4,097 lượt xem
Đó là quyết định có ý nghĩa lịch sử của một bậc thiên tài có tầm nhìn xa vượt ngàn năm, có tấm lòng lo toan cho dân cho nước về một quyết sách mà cả 1000 năm sau vẫn còn sức sống trường tồn.

" Thiên đô chiếu" được khắc tại Tiêu Sơn tự, tọa lạc trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh

Một nghìn năm trước đây, vào mùa xuân năm 1010, sau cái Tết đầu tiên ở ngôi Đức Vua tại kinh thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn về thăm hương Cổ Pháp, cho các bô lão trong hương tiền, lụa; viếng đền vị anh hùng làng Gióng và tặng thần danh hiệu Xung thiên thần vương (Thần vương xông lên trời)... Sau những sự kiện trên, Lý Công Uẩn tự tay viết chiếu về việc chuyển kinh đô: Thiên Đô Chiếu (Chiếu dời Đô). Dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La, đổi tên thành Thăng Long.

“Thiên đô chiếu” mở đầu bằng tích: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần đời đô“; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển rời? …”. Có người cho rằng, với trí tuệ cao siêu, với tầm nhìn xa trông rộng mà tại sao người đứng đầu vương triều Lý lại dẫn kinh nghiệm từ chính Phương Bắc?  Đó có phải là sự sao chép, giáo điều hay bị áp đặt?

Nhưng không, vào thời kỳ vua Lý Công Uẩn lên ngôi là thời kỳ mà nước ta đã thoát khỏi ách đô hộ, giành được quyền độc lập. Sự tiếp xúc và tiếp biến văn hoá đã chuyển sang tự nguyện. Nhà Lý - Đại Việt có điều kiện, chủ động để thâu hoá kinh nghiệm Trung Hoa.

Nói cách khác, việc rút kinh nghiệm phương Bắc của vua Lý Công Uẩn  và rộng ra là của trí tuệ lớn, đương thời, trong chuyện dời kinh đô không phải là việc lựa chọn nhất thời, nông nổi, mà là một sự thẩm định, cân nhắc kỹ càng, khách quan. Nhưng không chỉ có dựa vào kinh nghiệm phương Bắc, Lý Công Uẩn đối chiếu với kinh nghiệm lịch sử - mà chính thế hệ cha ông ở kinh thành Hoa Lư (từ 968 đến 1009) trong đó có chính ông trải nghiệm lại là tri thức thực tiễn nóng hổi. 

Nếu kinh nghiệm Trung Hoa - tri thức thế giới đương thời, là tri thức sách vở, thì thực tiễn Hoa Lư - Đại Cồ Việt thế kỷ X (từ 968), với Lý Công Uẩn, cả hai bài học kinh nghiệm, kiểm định lịch sử ấy, là nền cho phép ông xây dựng, xác định tiền đề, nguyên tắc tối thượng của việc xây dựng kinh đô của quốc gia. Thiên đô chiếu đã ra đời đúng 1000 năm, nhưng sức sống của nó, giá trị thực tiễn của nó vẫn còn đó.

Còn bởi lẽ, Thiên đô chiếu đã từng xác định rằng: Đại La (sau đổi tên là Thăng Long) là “Kinh đô ở nơi trung tâm” thể hiện của “mưu toan nghiệp lớn” và “tính kế muôn đời cho con cháu”; là kết hợp “Trên vâng mệnh trời” với “dưới theo ý dân”; là nhằm tới đích “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”, tránh được cái “số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”.

Địa thế này quả là “ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”. Hơn thế, đây còn là nơi “Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi” … Từ đó mà nhà vua đã đi đến một nhận định, một kết luận: “Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa.

Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”. Nhưng, trước khi đặt dấu chấm cho thủ chiếu của mình, đấng quân vương - người lãnh đạo cao nhất, tuyệt đối của chế độ quân chủ thời Lý, vẫn thêm một lần hạ bút “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?” Chỉ có như thế, Đức vua Lý Công Uẩn mới thật thanh thản! Sử cũ chép rằng, khi nghe hết lời, ý của Đức vua, quần thần đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo”. Vua cả mừng.

Có thế nói, Thiên đô chiếu là sản phẩm của một chiều sâu trí lực, đối chiếu so sánh, kết hợp cả kinh nghiệm của ngoài nước và trong nước, của quá khứ và hiện tại, sự đồng thuận trên và dưới, giữa triều đình và dân chúng về việc xây dựng một kinh đô mới. Sự thống nhất và hài hoà những yếu tố đó chính là mẫu mực của lý trí về sự phát triển bền vững mà Đức Vua Lý Công Uẩn đã chỉ ra đúng 1000 năm.

Suy cho cùng, Thiên đô chiếu có sức sống dài lâu vậy bởi nó có giá trị về nhiều mặt: Về mặt tư tưởng,  “Thiên đô chiếu” thể hiện tư tưởng thân dân rất tiến bộ của một vị hoàng đế cách đây đã ngót ngàn năm. ý của dân là chỗ dựa bền vững nhất của mọi triều đại. Cái gì dân không theo thì đừng làm.

Nguyễn Trãi từng cho rằng: Nâng thuyền cũng là dân. Lật thuyền cũng là dân; về mặt lịch sử xây dựng văn bản, đây là chiếu dời đô được thể hiện bằng văn bản đầu tiên ở Việt Nam; Về mặt địa lí, nhà vua đã phát hiện ra mạch đất Đại La là huyệt đất “đế vương” muôn đời “Ngắm xem khắp nước Việt, thấy đây là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ; là đất Thượng đô của Thượng đô muôn đời”, nên ông quyết tâm dời đô ra đó; Về chính trị và kinh tế, sau khi dời đô, triều Lý phát triển rất hưng thịnh.

Vương triều Lý do Lý Công Uẩn khai sáng tồn tại 215 năm, 8 đời vua, là một triều đại lớn trong lịch sử đất nước với những ông vua anh hùng, có công khai sáng văn hiến dân tộc, như: Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128); với những nhà quân sự, chính trị kiệt xuất như: Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành…

Triều Lý phát triển mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao: Xây dựng kinh đô, thành quách khang trang; xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, phát triển nghề dệt, nghề gốm… đạt tới đỉnh cao. Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế có nhiều tàu buôn nước ngoài vào ăn hàng tấp nập. Triều Lý mở Quốc Tử Giám, lập chế độ đại học, mở khoa thi chọn nhân tài…

Với một đường lối đối ngoại vừa khôn khéo, vừa cứng rắn, vương triều Lý đã được nhà Tống phương Bắc nể trọng, lãnh thổ đất nước được bảo vệ vững chắc, toàn vẹn (Ngô Minh); về giá trị nghệ thuật văn chương, “Thiên đô chiếu” xứng đáng là một áng văn bất hủ về nhiều phương diện nghệ thuật: nghệ thuật kết cấu, nghệ thuật sử dụng các thủ pháp trích dẫn điển tích, điển cố, nghệ thuật sử dụng lợi thế của phép đối, nghệ thuật dùng từ, nghệ thuật so sánh.

Lời văn của Thiên đô chiếu giàu hình tượng, có trí tưởng tượng phong phú và có tính dự báo rất xa. Quả thực, nếu không có trí tưởng tượng phong phú làm sao có được hình tượng giữa trời đất… rồng cuộn, hổ ngồi? Còn tính dự báo thì hẳn ai đọc Thiên đô chiếu cũng biết, cho đến bây giờ Thủ đô của nước Việt Nam thế kỉ XXI vẫn là Thăng Long ngàn năm trước của Lý Công Uẩn.

Theo nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn, cụ Bùi Huy Bích (1744-1818) đã chọn Thiên đô chiếu vào công trình Hoàng Việt văn tuyển, là tuyển văn thơ cổ của nước ta. Nhà văn Gia Dũng, khi biên soạn tập tuyển thơ “Ngàn năm thương nhớ” rất công phu, dày hơn 2.000 trang đã xếp Thiên đô chiếu là bài thơ đầu tiên của tuyển.

Tại sao các học giả lại coi Chiếu dời đô là một áng thơ? Vì đó là bài thơ văn xuôi truyền được sự xúc động của Lý Công Uẩn tới người đọc ngàn năm sau về một hình tượng thơ lớn là Thăng Long “rồng cuộn, hổ ngồi” rất ám ảnh (chữ dùng của Ngô Minh). Những giá trị về mặt tư tưởng, lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật hay cả về chính trị kinh tế trên đây đã làm nên sự trường tồn của “Thiên đô chiếu”.

Hiện nay, cả nước đang hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long -Hà Nội. Ngày đó hình ảnh một Thủ đô nghìn năm văn hiến lại có dịp lan tỏa và khẳng định vị thế của mình trên khắp năm châu bốn bể. Ngày đó, một lần nữa, Thiên đô chiếu của vị vua hết mực thương dân và có tầm nhìn xa trông rộng lại tiếp tục tỏa sáng, lấp lánh, như lửa truyền kỳ …

Nguyễn Thị Thọ

(Trường CĐSP) 
         

  • Từ khóa