Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU
Đi dưới tán cây Mộc miên cổ thụ vẫn tỏa bóng xanh mướt mát, miên man dòng suy tưởng, trong ký ức của tôi trỗi dậy nỗi buồn xót xa về lịch sử xa xôi của một vùng đất và một niềm tự hào mãnh liệt đối với lớp thanh niên cách mạng tiên phong nước nhà đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại kể cả sự đe dọa tính mạng để đến với lớp huấn luyện chính trị của Quốc tế cộng sản, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Ngôi nhà ba tầng xây theo kiến trúc phương tây nhưng từ cửa chính bước vào lại hoàn toàn mang dáng vẻ của kiến trúc phương đông với cầu thang gỗ, buồng ngăn vách liếp...
Ngôi nhà số 250 phố Văn Minh và dòng chữ: Lớp học chính trị.
Ảnh: Quang Viện
Được biết, ngôi nhà này vốn là của một người dân bản địa do tổ chức Tâm tâm xã thuê làm trụ sở. Vị trí của ngôi nhà án ngữ mặt tiền trên đường phố Văn Minh tấp nập người qua lại, (trước đây nhằm mục đích che mắt sự săn lùng của mật thám, chỉ điểm), hiện giờ được chính quyền Quảng Châu cho niêm phong, bảo quản cẩn thận. Trên căn gác hai, nhà chức trách địa phương trưng dụng làm phòng trưng bày những hình ảnh và hiện vật ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam thời kỳ 1924 - 1930. Tại căn gác nhỏ này, trong tủ kính trưng bày, vẫn còn nguyên bút tích những bài viết của Nguyễn Ái Quốc về chủ nghĩa Mác - Lênin như: “Lênin và phương Đông”; “Những vấn đề châu Á”; “Lối cai trị của người Anh”...
Đáng chú ý là bức ảnh ít được biết đến: Nguyễn Ái Quốc (khi ấy được gọi là Vương Đạt Nhân) phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ 2 Quốc dân đảng Trung Quốc. Theo chú thích của bức ảnh, thì tại hội nghị này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những hành động thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với Việt Nam. Ngoài ra, còn có những hình ảnh đã được biết đến nhiều qua sách lịch sử, báo chí tiêu biểu như: Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thống nhất tại Tống Vương Đài (Hongkong) tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…Gác ba còn lưu giữ nguyên hiện trạng phòng nghỉ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phòng họp, phòng học và phòng ngủ của các học viên các lớp đào tạo, huấn luyện chính trị.
Bàn làm việc của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Ảnh: Quang Viện
Phòng ngủ của Nguyễn Ái Quốc rộng chưa đến 5 mét vuông, chỉ kê được một giường gỗ cá nhân, chiếc chiếu cói đã ngả màu thời gian nhưng nhìn kỹ ta có cảm giác như vẫn còn hơi ấm của Người. Chiếc quạt nan nhỏ, vật dụng xua đi nỗi mệt nhọc và oi bức của những ngày nóng nực đối lập với chiếc chăn len mỏng màu ghi giúp Người ủ ấm trong những đêm đông dài giá lạnh. Ngắm nhìn căn phòng nhỏ, đơn sơ, ta thật khó có thể tưởng tượng nổi, nơi đây đã sản sinh ra tư tưởng vĩ đại, một nhân cách lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong ngôi nhà bình dị chia hai lô mang số 13 - 15 này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng nhiều người bạn Trung Quốc thân thiết như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Lý Phú Xuân, Trương Thái Lôi…từng trực tiếp giảng dạy các lớp đào tạo chính trị cho những thanh niên yêu nước Việt Nam.
Cũng trong căn gác đơn sơ này, Nguyễn Ái Quốc đã soạn nhiều bài giảng nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cho các tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước Việt Nam, Người tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Đảng đồng thời viết tác phẩm nổi tiếng: “Đường kách mệnh”. Phòng học của học viên lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam được trang trí thoáng đạt, chính giữa phòng học, phía trên bảng viết có treo bức ba bức ảnh lớn của Các Mác, Ăng ghen và Lênin. Nhìn vào cách trang trí này, đã thấy toát lên tầm nhìn xa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng cùng với việc chuẩn bị tư tưởng, chính trị và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ của tổ chức Đảng sau này.
Chiếc giường nhỏ, nơi nghỉ ngơi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Ảnh: Quang Viện
Phía sau căn gác ba là nhà bếp, nhà ăn. Hiện vật còn lưu lại một cách trân trọng gồm hai phòng ăn cửa gỗ gắn kính, những vật dụng thân thương, gần gũi tái hiện một thời gian khổ của các nhà hoạt động cách mạng nơi đất khách, quê người còn lại gồm một cái bếp lò đất nung, một chiếc ấm nhôm dùng để nấu nước uống, một xoong nhôm nấu cơm và mấy chiếc thau đồng dùng để rửa mặt và tắm rửa của lãnh tụ và các học viên. Tất cả các hoạt động từ những sinh hoạt đời thường như ở chính quê hương của mình cho tới việc học tập nâng cao trình độ lý luận cách mạng và tôi luyện ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc của những thanh niên yêu nước nhiệt huyết vẫn như còn hiện hữu đâu đó, cho ta cảm giác được sống chung cùng thời với các chiến sỹ cách mạng tiên phong khắc phục khó khăn, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để trở thành hạt giống đỏ quay về Việt Nam làm nòng cốt cho cách mạng.
Những cây cổ thụ bên đường phố Văn Minh, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn thường qua lại những năm 1924 - 1930.
Ảnh: Quang Viện
Thời điểm đầy gian khó trước sự rình rập của mật thám, sự săn lùng của thế lực thù địch, Lãnh tụ Nguyên Ái Quốc đã cùng lúc sáng lập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc nghiên cứu, lựa chọn đào tạo tại chỗ và gửi đào tạo nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam vào trường quân chính Hoàng Phố của nước bạn nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cách mạng cơ bản cho một đảng mácxít ở Việt Nam sau này.
Ngược dòng thời gian, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Matsxcơva (theo sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản), tìm về Quảng Châu lập ra tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác - xít. Trước đó, tại Thành phố Quảng Châu, mùa hè năm 1923, một nhóm thanh niên cấp tiến trong tổ chức cách mạng của cụ Phan Bội Châu đã bí mật tách ra khỏi Việt Nam Quang phục Hội để thành lập tổ chức "Tâm Tâm xã" gồm bảy người: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giảng Khanh, Đặng Đoàn Bằng, Trương Quốc Uy, Tống Giao Cầu và Nguyễn Công Viễn. Theo những tài liệu còn lưu giữ ở Quảng Châu thì Tâm Tâm xã còn có tên gọi khác là "Tân Việt Thanh niên đoàn" với tôn chỉ hoạt động nhằm: Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam.
Phòng học của lớp tập huấn chính trị.
Ảnh: Quang Viện
Trong tổ chức mới mẻ này, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong đã hoạt động nhiệt huyết, chiến đấu hy sinh đến cùng, đặc biệt là sự kiện "tiếng bom Sa Diện" của Phạm Hồng Thái ám sát hụt tên toàn quyền Đông Dương Merlin ngày 19 tháng 6 năm 1924 làm chấn động dư luận thế giới. Từ Matxcơva về Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng "nắm" lấy tổ chức Tâm Tâm xã và hướng tổ chức này đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Lý Thụy để dễ hoạt động và được Tâm Tâm xã thu xếp điều kiện tốt nhất hiện có lúc ấy. Tháng 2 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc dựa trên cơ sở Tâm Tâm xã lập ra "Việt Nam thanh niên cộng sản đoàn" gồm 9 người. Trong số 9 hội viên hoạt động bí mật, có 5 người là đảng viên dự bị Đảng cộng sản.
Tháng 6 năm 1925, trên cơ sở tổ chức "Tâm tâm xã", Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội" nhằm tập hợp thanh niên yêu nước Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa, chuẩn bị cho ra đời Đảng cộng sản Việt Nam. Tại Quang Châu, Nguyễn Ái Quốc xuất bản tác phẩm "Đường Kách mệnh" trong thời điểm đêm đen nô lệ bao trùm lên cuộc sống của người dân các nước thuộc địa trên thế giới (trong đó có Việt Nam), Nguyễn Ái Quốc đã xác định cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Người khẳng định: muốn giải phóng dân tộc thành công trước hết phải có đảng cách mệnh, Đảng có vững cách mệnh mới thành công, Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt đó là chủ nghĩa Lênin. Trong phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản chính quốc.
Ký túc xá học viên lớp tập huấn chính trị tại Quảng Châu.
Ảnh: Quang Viện
Do nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, do đánh giá đúng đắn sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, Người đã sớm cho rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi tiên phong. Trước thời điểm Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu thì Phan Bội Châu (chí sỹ tiêu biểu cho phong trào yêu nước chống thực dân xâm lược ở nước ta), sau nhiều hoạt động yêu nước không thành, Phan Bội Châu đã chủ động sang Quảng Đông để tìm gặp những người Việt Nam đang hoạt động tại đây. Bức thư đề ngày 21 tháng giêng âm lịch năm 1925 (tức 22/2/1925) viết bằng chữ Hán, hiện được lưu trữ ở Aix-en-Provence (Pháp) thể hiện những tình cảm và đánh giá của Phan Bội Châu đối với Nguyễn Ái Quốc, hoạt động trong phái đoàn cố vấn của Chính phủ Xô viết bên cạnh Chính phủ Quảng Châu của Tôn Trung Sơn.
Bức thư kể rằng: cụ Phan đã nhận đuợc thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho cụ, nhà ái quốc lão thành đã gửi thư khích lệ Nguyễn Ái Quốc: “Người cháu rất yêu của bác...(đọc thư của cháu) mới biết là học vấn, trí thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, không phải như hai mươi năm trước. Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu, gõ án ngâm thơ, anh em cháu tất thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này...Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu bác vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh ban mai...Một đời tân khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai dễ nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được. Cháu học vấn rộng rãi đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác...”.
Nhận được thư khích lệ, Nguyễn Ái Quốc tích cực tổ chức các hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Vậy là thế hệ những người yêu nước Việt Nam như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu…cùng hội tụ ở Quảng Châu trong tổ chức mang tên “Tâm tâm xã”, với mong muốn khôi phục “quyền làm người” cho người dân Việt Nam đã được Nguyễn Ái Quốc tận tâm truyền dạy, hun đúc tinh thần yêu nước để có ngày trở về Việt Nam hoạt động cách mạng.
Có một kỷ niệm không bao giờ quên vẫn được nhắc đến ở ngôi nhà số 250 phố Văn Minh mỗi khi có đoàn thăm quan, nghiên cứu của Trung Quốc và các nước trên thế giới về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu đó là thời điểm năm 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong Phái bộ Borodin (Nga) ở Quảng Châu, chi tiết này được mô tả trong cuốn "Hai năm ở nước Trung Hoa nổi dậy" của Vladimia Akimova, nữ nhân viên văn phòng Borodin, đã viết: “Ở nhà Borodin, tôi may mắn được làm quen với một trong những con người tuyệt diệu ở Quảng Châu lúc ấy. Đó là Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc), một người Việt Nam”.
Bài và ảnh: Lê Quang Viện
(Gửi về từ Quảng Châu - Trung Quốc)
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
- Chương trình vì tuổi thơ ở Kiến Xương 28.09.2010 | 14:46 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh