Thứ 7, 10/08/2024, 08:16[GMT+7]

Phát triển nghề và làng nghề ở Đông Hoà

Chủ nhật, 15/08/2010 | 15:00:47
2,050 lượt xem
Là xã ngoại thành, Đông Hoà nằm ở phía bắc Thành phố có diện tích tự nhiên trên 559 ha với trên 9.000 nhân khẩu. Những năm qua, đời sống của nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Do đó, một hướng đi đúng và phù hợp, giữ vững nghề và làng nghề ở Đông Hoà luôn được các cấp chính quyền ở đây quan tâm chú trọng.

Xã Đông Thọ (Thành phố) phát triển nghề làm bánh đa đem lại thu nhập cao cho hộ nông dân. Ảnh: Thành Tâm.

Mặc dù nghề và làng nghề ở Đông Hoà đã phát triển từ lâu, song còn ở góc độ nhỏ lẻ và manh mún. Năm 2001, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Nghị quyết 01 về phát triển nghề và làng nghề đã đưa “ánh sáng” để Đông Hoà có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp. Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân phát huy ngành nghề có sẵn từ trước như nghề mộc, nề, đan làn, thêu ren..., đặc biệt là nghề dệt bao đay xuất khẩu.

Cùng với đó, Đông Hoà quan tâm xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở nhằm phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất. Hiện Đông Hoà có hai làng nghề ở thôn Hiệp Trung và thôn Nam Cầu Nhân được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Nhìn chung, hai làng nghề hoạt động khá hiệu quả thu hút nhiều lao động nông nhàn, tổng doanh thu của hai làng nghề đạt từ 2 - 3 tỷ đồng/ năm đã góp phần nâng cao đời sống cho người lao động. Riêng nghề dệt bao đay, hiện toàn xã có 250 - 300 khung dệt, thu hút khoảng 750 - 900 lao động với thu nhập bình quân từ 600.000 - 800.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, xã còn phát triển đa dạng các nghề như: tổ sản xuất tái chế bao xi măng và các loại bao bì khác với 80 - 120 lao động, lương bình quân  đạt từ 600.000 - 1.000.000 đồng/tháng; nghề nề, nghề mộc có 15 - 20 tổ với số lao động 150 - 200 lao động, thu nhập bình quân 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng; nghề may gia công có 5 tổ hợp với 70 - 100 thợ may, thu nhập 800.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng...

Có thể coi những nghề trên là những nét nổi bật trong bức tranh nghề ở Đông Hoà. Mỗi nghề một nét duyên dáng, một truyền thống phát triển riêng nhưng đều là những nét đẹp, là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo của người lao động. Trải qua bao thăng trầm để có “quả ngọt” hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Hoà tự khẳng định mình đã đi đúng hướng trong việc duy trì và phát triển làng nghề ở địa phương.

Trong sự phát triển chung của địa phương, sự phát triển mạnh mẽ của các nghề truyền thống đã và  đang góp phần mang lại sự sung túc cho người lao động.  Theo đồng chí Nguyễn Văn Roãn - Bí thư Đảng bộ xã Đông Hoà: “Trong thời gian tới, để nghề và làng nghề ở địa phương được tiếp tục  phát triển bền vững và mang lại sinh khí mới thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, vai trò quản lý của chính quyền và sự phối kết hợp của các ban ngành đoàn thể trong công tác định hướng để phát triển nghề và làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, phải đồng thời giữ vững và duy trì các làng nghề hiện có kết hợp với phát triển đa dạng các ngành nghề khác. Chú trọng những nghề thu hút nhiều lao động, thời gian học nghề ngắn tạo ra nhiều việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung các biện pháp đồng bộ để nắm bắt mở rộng thị trường. Địa phương cũng sẽ có cơ chế thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, liên kết phát triển nghề và làng nghề cùng với đó là các biện pháp bảo vệ môi trường và an ninh trật tự  ở địa phương”.

Thực hiện tốt những giải pháp trên, tin rằng nghề và làng nghề ở Đông Hoà sẽ ngày càng phát triển, tạo sự chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

P.V

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày