Thứ 3, 07/05/2024, 04:22[GMT+7]

Đời thực

Thứ 2, 29/01/2018 | 10:03:26
911 lượt xem
Ngẩng cao đầu nhìn bầu trời trong xanh thăm thẳm, nhìn thành phố cảng thân yêu nơi đồng chí gắn bó trọn đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh hiên ngang bước lên máy chém, giây phút cuối không hề nao núng, đồng chí hô vang: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.

Dòng sông Lấp (thành phố Hải Phòng) từng chứng kiến giây phút hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

5 giờ sáng ngày 31/7/1932, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân tại đề lao Hải Phòng. Đi giữa hai hàng lưỡi lê và họng súng của kẻ thù, hai đồng chí vẫn ung dung, vẻ mặt thản nhiên. Bọn giặc đặt pháp trường ngay khoảng đất trống trước đề lao vì chúng sợ quần chúng xông vào phá pháp trường, giải thoát tù nhân. Từ mờ sáng ngày 31/7, giặc huy động hàng trăm binh lính, cảnh sát đến canh phòng cả bên trong và bên ngoài pháp trường, chiếc máy chém được đưa từ Hà Nội xuống đã lắp đặt sẵn.

Tin đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sắp bị kẻ thù xử chém lan nhanh khắp thành phố cảng, lợi dụng lúc tan tầm ca đêm và đi làm ca sáng hàng nghìn công nhân và người lao động đã kéo đến ngập đường Bô-nan (nay là đường Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Hải Phòng) để phản đối án tử hình. 

Tại pháp trường, sau khi đọc lại bản án tử hình của hội đồng đề hình đối với hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân, tên biện lý quay sang đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hỏi: “Anh có muốn kêu xin gì không?”. Biết rõ âm mưu của kẻ thù lợi dụng lúc sắp chết tâm lý dao động muốn sống sẽ xin tha, quy hàng, sẵn sàng khai báo những điều bí mật mà giặc cần khai thác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không thèm trả lời, vẫn thản nhiên hát Quốc tế ca. 

Giờ hành quyết đến, tên linh mục đến làm phép, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gạt đi: “Tôi không có tội gì mà phải rửa, bọn các người mới là kẻ có tội”. Tên đao phủ lao tới lấy băng đen bịt mắt, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gạt đi và nói: “Không cần”. Đồng chí hô vang: “Đả đảo đế quốc Pháp, Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”. Trong các xà lim, tù nhân ai nấy ngậm ngùi tiếc thương đồng chí của mình đã bị giặc Pháp sát hại. Lúc lên máy chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mới tròn 24 tuổi. 

Cái chết đầy khí phách anh hùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã gieo niềm tiếc thương vô hạn và xúc động mạnh mẽ trong tâm trí đồng bào, đồng chí, thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong quần chúng nhân dân vốn đã sục sôi căm hờn bấy nay, cổ vũ hàng triệu người xông lên phá tan xiềng xích áp bức của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Từ khi bị xử án tử hình, hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân chỉ một mực chống án chứ kiên quyết không xin giảm án. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không hề nao núng mà ngược lại đã dồn hết tâm lực để viết các bài lý luận cách mạng như “Gia đình và chủ nghĩa cộng sản” để đập lại luận điệu xuyên tạc của kẻ địch rằng “cộng sản là không gia đình”. Với những hiểu biết sâu sắc về công nhân Việt Nam qua những ngày tháng lăn lộn với phong trào công nhân và vô sản hóa, đồng chí đã kịp hoàn thành tập tài liệu “Công nhân vận động” và viết xong cuốn sách “Nói chuyện nước Tàu” gồm 9 chương kể về cuộc đấu tranh của công nhân Trung Quốc trong công xã Quảng Châu, nơi đồng chí đã từng sang dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Cuốn “Công nhân vận động” là cẩm nang lý luận cách mạng nêu rõ tình hình, đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, tinh thần cách mạng của công nhân, nội dung phương pháp tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo công nhân đấu tranh đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm vận động công nhân… 

Chuyện kể lại, sau khi viết xong cuốn “Công nhân vận động”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cười vui nói với các đồng chí của mình: “Bây giờ thì tao có thể ngủ yên được rồi, chúng mày đừng gọi, để tao ngủ lấy sức, mai lên máy chém”. Toàn bộ tài liệu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh viết chữ nhỏ trên giấy mỏng, cuộn lại bí mật đưa sang trại lớn và chuyển ra ngoài cho Đảng. Là người cộng sản chân chính, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xác định lẽ sống của đời mình là suốt đời hy sinh, phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã từ bỏ cuộc sống an nhàn mà gia đình sắp đặt sẵn để đi làm công nhân, vô sản hóa và sống cuộc đời thực của người lao động để hoạt động cách mạng. Thực hiện chủ trương tăng cường thành phần công nhân trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã lần lượt bố trí những đồng chí xuất thân từ công nhân vào đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo các cấp đồng thời đề cử người có thời gian dài là công nhân hoạt động tích cực vào cương vị lãnh đạo Công hội thay mình và đề cử nhiều đồng chí khác xuất thân từ công nhân tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngoài chú trọng vận động công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nông dân và các tầng lớp lao động khác, xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng tích cực ở đường phố, trong trường học và vùng nông thôn ngoại thành, trong hàng ngũ trí thức…

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước, đồng chí đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với cách mạng vô sản, con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh còn là người có công đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong quần chúng nhân dân. Những tài liệu của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh viết góp phần đấu tranh đánh bại xu hướng cải lương, chủ nghĩa quốc gia dân tộc hẹp hòi, đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động về chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản. Đồng chí thường nói vui với các tù nhân: “Chúng ta đều lìa bỏ người thân trong gia đình riêng đi làm cách mạng để cùng họp nhau thành một đại gia đình chung của những người cộng sản. Trong hoàn cảnh sống chết có nhau này, không có lý gì chúng ta lại không thương yêu nhau như anh em ruột thịt”.



Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), Bảo tàng thành phố Hải Phòng tổ chức trưng bày hiện vật, tài liệu, tranh, ảnh… chuyên đề: “Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung”, nhấn mạnh vai trò, vị trí, tâm và tầm của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng. Những hiện vật sưu tầm được trưng bày tại Bảo tàng chuyển tải nội dung về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sáng mãi tấm gương người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung, thể hiện tình cảm của quân và dân thành phố Hải Phòng đối với lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Chúng tôi đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, lần đầu được công bố tại triển lãm, tiêu biểu là cuốn sách “Sự nghiệp cách mạng của Lênin” do chính đồng chí viết tay.

Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng

Những năm tháng hoạt động tại thành phố cảng Hải Phòng trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thợ thuyền thành phố cảng đặt tên đầy thân thương là “Người anh của những xóm thợ”. Đồng chí làm việc không ngừng nghỉ, công việc rất nặng nề, đời sống kham khổ và luôn phải thay đổi chỗ ở vì mật thám Pháp truy lùng. Làm một người thợ thực thụ, sống “đồng cam cộng khổ” với công nhân, đồng chí còn bí mật đi khắp vùng mỏ Quảng Ninh để xây dựng tổ chức và chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân, hòa mình vào các xóm thợ để hiểu tình cảnh của những người thợ.


Ông Lê Công Hưng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Từ lúc bị bắt ở Vinh, bị giải ra Hỏa Lò cho đến khi lên máy chém ở đề lao Hải Phòng, mặc dù bị địch tra tấn chết đi sống lại nhưng một lòng trung trinh với Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cắn răng không khai, thực dân Pháp hèn hạ đã bịa đặt thông tin Nguyễn Đức Cảnh nuốt kim băng nên không thể nói được để che giấu sự bất lực của chúng trước khí phách của người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung. Khi thực dân Pháp kết án tử hình, trong xà lim án chém chờ ngày hành hình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn làm việc hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Gần sát phút chia lìa, đồng chí mới dành chút thời gian ngắn ngủi của cuộc đời cho mẹ kính yêu: “Tạ từ vĩnh quyết từ nay/Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn” và cho người đã cùng đồng chí, vì đồng chí mà hy sinh cho sự nghiệp cách mạng: “Đôi quả tim này đã kết tinh/Vì chưng nghĩa vụ phải làm thinh/Quân thù đế quốc ghê em nhỉ/Cướp cả non sông lẫn ái tình?”.


Quang Viện