Thứ 7, 04/05/2024, 06:14[GMT+7]

Tạo động lực để có nhiều sáng kiến, cải tiến

Thứ 4, 23/05/2018 | 08:58:01
1,493 lượt xem
Hàng chục sáng kiến, cải tiến tham gia hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần do Bộ CHQS tỉnh tổ chức được ghi nhận, đánh giá cao. Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của cán bộ, nhân viên làm công tác hậu cần. Và hơn hết, hội thi là động lực để khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong ngành hậu cần Bộ CHQS tỉnh phát triển.

Các đại biểu tham quan sáng kiến bảng đo cỡ số giầy, dép hạ sĩ quan, chiến sĩ của Ban CHQS huyện Hưng Hà.

Đại úy Nguyễn Công Huynh, Ban CHQS huyện Đông Hưng giới thiệu về sáng kiến máy cuộn băng huấn luyện của mình vừa đạt giải nhất tại hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần. Theo anh Huynh: Trong thực tế huấn luyện, hội thao, nội dung 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu của cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân, tự vệ thường phải thao tác thủ công bằng tay cuộn lại các cuộn băng huấn luyện đã dùng để luyện tập, kiểm tra làm mất nhiều thời gian và cuộn băng không chặt, không gọn mép. Do đó khi sử dụng lại sẽ khó khăn, dễ làm sổ băng hoặc đường băng không chuẩn, đẹp. Trước thực trạng đó, tôi đã nghiên cứu tìm ra sáng kiến này. Giá thành để làm ra sản phẩm máy cuộn băng huấn luyện chỉ hơn 50.000 đồng/sản phẩm nên việc ứng dụng và nhân rộng ra các đơn vị rất thiết thực, hiệu quả. Nguyên liệu tạo ra sản phẩm dễ tìm và chủ yếu tận dụng từ các dụng cụ điện tử đã qua sử dụng như: mô tơ điện, ốc vít, ống nhựa, gỗ... Ưu điểm khi sử dụng sáng kiến chính là việc tiết kiệm thời gian, băng cuộn lại được chặt, gọn gàng và có thể cơ động nhanh.

Sáng kiến có tính ứng dụng thực tế phải kể đến sáng kiến bảng đo cỡ số giầy, dép hạ sĩ quan, chiến sĩ của Trung tá Nguyễn Hữu Chỉnh, công tác tại Ban CHQS huyện Hưng Hà. Bảng đo được cụ thể hóa từng cỡ số giầy, dép được sản xuất trong quân đội ứng với chiều dài bàn chân (từ cỡ 37 đến cỡ 44); từ đó xác định chính xác cỡ số giầy, dép cho từng đối tượng là hạ sĩ quan, chiến sĩ. Khi sáng kiến nhân rộng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, thuận lợi cho quá trình thâm nhập tuyển quân, đăng ký cỡ số nhanh chóng và giảm áp lực cho cán bộ làm công tác thâm nhập và công tác bảo đảm quân trang ở các cấp.

Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hưng Hà đánh giá: Bảng đo được thiết kế trên trình đồ họa corel và có thể in ra các chất liệu khác nhau như bạt, đề can, nhựa, phooc mica, gỗ, đá... chuẩn theo kích thước thực tế. Với chất liệu bạt, kích thước 40x46cm, trọng lượng nhẹ, bảng đo cỡ số giầy, dép hạ sĩ quan, chiến sĩ rất tiện dụng cho quá trình mang theo công tác. Giá thành làm ra một sản phẩm chỉ có 20.000 đồng.  

Ngoài các sáng kiến trên, ngành Hậu cần Bộ CHQS tỉnh còn có rất nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện được đánh giá cao ở hội thi cấp Bộ CHQS tỉnh. Các sáng kiến, cải tiến sẽ được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu công tác, nhiệm vụ của ngành hậu cần quân đội như: cải tiến quản lý hệ thống sổ sách của Thượng úy Bùi Đình Đáng, Ban CHQS huyện Thái Thụy; sáng kiến dụng cụ đào đa năng của Trung tá Nguyễn Kiên Cường, Ban CHQS thành phố Thái Bình; cải tiến bộ băng bó cấp cứu thương binh của Trung úy, y sĩ Ngô Văn Trường, Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh... 

Để có được kết quả đó, ngoài tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực của các tác giả, đơn vị tham gia thì phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện trong lực lượng vũ trang tỉnh luôn được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện với các giải pháp khoa học, thiết thực, phát huy trách nhiệm từng cá nhân, trí tuệ cả tập thể trong suốt quá trình thực hiện.

Trung tá Đỗ Hải Đệ, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần nói riêng, mô hình, trang thiết bị huấn luyện ứng dụng vào hoạt động các mặt công tác ở các cơ quan, đơn vị nói chung đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc, xây dựng quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chức năng của các cơ quan, đơn vị luôn bám sát hoạt động ở cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện một cách rất bài bản, theo từng giai đoạn, lộ trình nhằm nâng cao số lượng, chất lượng của từng sản phẩm. Đây không chỉ là dịp để các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm vận dụng trong công tác quản lý hậu cần ở cơ quan, đơn vị mà là cơ hội để Bộ CHQS tỉnh, Phòng Hậu cần Bộ CHQS tỉnh phát hiện, nhân rộng các sáng kiến, cải tiến có giá trị ra toàn lực lượng; đồng thời, lựa chọn, hoàn thiện sản phẩm đạt giải để tham dự hội thi do Quân khu 3 tổ chức.

Tất Đạt