Thứ 2, 20/05/2024, 13:31[GMT+7]

Vũ Thư: khó khăn trong vận động lao động ở Hàn Quốc về nước đúng hạn

Thứ 4, 26/04/2017 | 08:45:14
1,273 lượt xem
Là huyện có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đông nhất tỉnh, nhiều năm qua, huyện Vũ Thư đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, tuy nhiên số lao động về nước đúng hạn không đáng kể. Điều đó đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lao động tại các địa phương trong huyện.

Ngôi nhà đang xây của gia đình chị Thư bằng số tiền tích góp của chồng lao động tại Hàn Quốc.

Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 28/2/2017, toàn huyện Vũ Thư còn 239 lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Mặc dù các cấp, các ngành cùng các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng người lao động vẫn cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp. 

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền tại UBND huyện và một số xã có đông số lao động làm việc tại Hàn Quốc (Vũ Tiến, Vũ Hội, Minh Lãng); các địa phương cũng tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các chính sách ưu đãi đối với lao động về nước đúng hạn cũng như các quy định xử lý vi phạm. Ngoài ra, hàng năm UBND huyện ban hành một số văn bản chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đến từng gia đình có con em làm việc tại Hàn Quốc tuyên truyền, tổ chức, ký cam kết kêu gọi người thân về nước đúng thời hạn. Dù đã nỗ lực nhưng tại các địa phương số lao động hết thời hạn không về nước vẫn còn nhiều.

Minh Lãng là một trong những xã có số lao động cư trú bất hợp pháp đông của huyện Vũ Thư. Qua thống kê, toàn xã hiện có trên 40 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc nhưng có khoảng 30 lao động hết hạn hợp đồng không về nước; nhiều trường hợp dù đã hết thời hạn đến vài năm nhưng vẫn cố tình ở lại. 

Chị Lê Thị Thư, thôn Thanh Trai có chồng là anh Vũ Văn Pha đi Hàn Quốc từ năm 2010, theo hạn hợp đồng đến tháng 5/2014 anh phải về nước. Thế nhưng qua gần 3 năm dù đã có tiền tích góp và mua được đất xây nhà nhưng chồng chị vẫn ở lại cư trú bất hợp pháp, dù chính quyền địa phương thường xuyên đến gia đình tuyên truyền, vận động. Lý giải về việc hết hạn hợp đồng chồng vẫn không về nước, chị Thư cho biết: Khi hợp đồng hết hạn tôi cũng động viên anh về nước nhưng anh nói về nước khó tìm việc phù hợp, mức thu nhập lại thấp so với bên đó nên quyết định ở thêm một thời gian nữa mới về, tôi cũng không biết làm thế nào.

Cũng như Minh Lãng, xã Vũ Tiến hiện còn nhiều lao động quá hạn đang làm việc tại Hàn Quốc. Thay vì vận động người thân trở về nước, nhiều gia đình mong muốn họ ở lại. 

Trường hợp của gia đình ông Trần Thanh Tín, thôn Ngọc Tiên, xã Vũ Tiến là một ví dụ. Con trai ông là anh Trần Ngọc Tuân đi xuất khẩu tại Hàn Quốc từ tháng 5/2011, đến tháng 3/2016 hết hạn nhưng không về nước. Đã quá hạn hơn 1 năm nhưng ông Tín vẫn mong muốn con ở lại, ông chia sẻ: Con tôi tuổi còn trẻ nên thời gian đầu sang cũng không dành dụm được mấy. Phải mất vài năm mới gửi cho tôi trả hết số nợ vay ngân hàng để đi. Giờ cháu sắp lập gia đình, tôi mong nó ở một thời gian nữa có đồng vốn rồi mới về.

Để hạn chế tình trạng lao động làm việc tại Hàn Quốc quá hạn không về nước, mới đây, ngày 28/3/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 1147 về việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với các quận, huyện có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. 

Trước thực trạng số lao động cư trú bất hợp pháp trên địa bàn huyện Vũ Thư vượt nhiều so với quy định, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Nếu chỉ dừng lại ở việc tạm dừng xuất khẩu lao động đối với những huyện, thành phố có từ 60 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng sẽ rất khó để vận động lao động quá hạn về nước. Theo tôi, năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vì vậy các địa phương cần áp dụng thật nghiêm để răn đe. Đồng thời các cơ quan chức năng Việt Nam cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Hàn Quốc rà soát, xử lý nghiêm những chủ doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, có như vậy mới giảm được tình trạng lao động bất hợp pháp.


Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định nếu người lao động ở lại trái phép sau khi hết hạn hợp đồng; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng sẽ bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng và không được đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm.


Nguyễn Cường