Thứ 7, 06/07/2024, 02:35[GMT+7]

Độc đáo hội thi dân gian têm trầu cánh phượng

Thứ 2, 30/10/2017 | 08:59:37
4,888 lượt xem
Cứ đến mỗi mùa lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương lại náo nức hướng về hội thi dân gian têm trầu cánh phượng. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dù ngày nay đã có hàng trăm thứ quà bánh ngon để bày biện, cúng bái nhưng miếng trầu được làm nên bởi đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ chân quê vẫn luôn được người đời nâng niu, trân trọng.

Cha ông ta lưu truyền câu nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Bởi, từ bao đời nay, miếng trầu đã gắn liền với đời sống của người dân đất Việt. Miếng trầu không những là lễ vật để dâng cúng lên ông bà, tổ tiên, mà còn có mặt trong mỗi cuộc vui, buồn của làng quê bên ấm nước chè xanh. Nhìn miếng trầu được têm, người thưởng thức không chỉ thấu hiểu tình cảm, thành ý của người mời trầu mà còn đánh giá cả sự duyên dáng, khéo léo của người têm trầu. Nét tài hoa của người Việt thể hiện qua điều đó.

Bắt nguồn từ câu chuyện dân gian

Cầm miếng trầu trên tay, mỗi người rưng rưng khi nhớ về câu chuyện cổ tích “Trầu cau” khi còn là đứa bé lớn lên trong vòng tay ấm áp chở che của bà, của mẹ. Câu chuyện “Trầu cau” khép lại bằng tục ăn trầu - một phong tục để tô đậm tình cảm thủy chung son sắc đẹp đẽ. Qua câu chuyện ấy, mỗi người cũng như xích lại gần nhau hơn, nghĩa tình, vị tha hơn để có cuộc sống chan hòa, nhân ái. Có lẽ chính bởi ý nghĩa nhân văn mà câu chuyện “Trầu cau” cùng tục ăn trầu đã vượt bao thăng trầm của thời gian để tồn tại đến ngày nay.

Từ câu chuyện dân gian gắn với tuổi thơ của mỗi con người lớn lên bên lũy tre làng, trầu cau đã là biểu tượng cho tình cảm. Bởi vậy trên mỗi mâm lễ vật dâng lên tổ tiên đều không thể thiếu miếng trầu, quả cau để thể hiện tấm lòng thành kính với thế hệ đi trước. Trong tiềm thức và phong tục của người Việt, miếng trầu đi liền với lời chào, lời thăm hỏi, kết nối những con người xa lạ lại gần với nhau hơn: “Tiện đây ăn một miếng trầu/Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là...”  

Miếng trầu tuy dân dã nhưng chất chứa trong đó như đủ mọi dư vị của cuộc sống mà người ăn trầu có thể thưởng thức, như: vị cay thơm của lá trầu, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi. Cũng bởi miếng trầu mà đôi môi trở nên đằm thắm, rực rỡ, khởi đầu cho bao mối lương duyên.

Miếng trầu têm cánh phượng mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào về sự duyên dáng, khéo léo của người phụ nữ.

Đến hội thi độc đáo

Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ hội chùa Keo, cùng với những trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, chọi gà, bắt vịt,... hội thi têm trầu cánh phượng tạo nên không khí náo nức, rộn rã cả một vùng quê yên bình. Điều đặc biệt, dù là hoạt động dành riêng cho các bà, các chị nhưng hội thi này luôn thu hút cả những đấng nam nhi tham gia tích cực cổ vũ, với mong muốn đội têm trầu của xã mình sẽ giành thứ hạng cao nhất, qua đó như ngầm khẳng định sự khéo léo của người phụ nữ quê hương.

Tham gia hội thi têm trầu cánh phượng trong mỗi mùa lễ hội chùa Keo là các đội đại diện cho các xã trong huyện Vũ Thư. Mỗi đội với 5 thành viên trong những bộ trang phục truyền thống cùng tranh tài để chọn ra khay trầu được trình bày đẹp mắt, đúng tiêu chuẩn nhất. Để đạt được kết quả cao, ngay từ khâu chuẩn bị đã đòi hỏi các bà, các chị sự thấu hiểu với mỗi sản vật quê hương. Bởi, cách têm này đòi hỏi phải chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để trang trí phần đuôi. Để miếng trầu thêm duyên dáng với sắc màu rực rỡ, người têm trầu thường khéo léo gài thêm cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng. Bởi vậy, miếng trầu têm cánh phượng dù rất giản dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần cao sang.

Còn ông Phạm Văn Phong, ban tổ chức hội thi têm trầu cánh phượng đã nhận thấy rằng: hội thi dân gian này dù là phong tục ngày nay đã không còn xuất hiện nhiều nhưng luôn thu hút đông đảo chị em ở đủ mọi lứa tuổi tham gia. Ai ai cũng hào hứng sẽ têm được những miếng trầu duyên dáng, đẹp đẽ và ấn tượng nhất, qua đó mang về chiến thắng cho đội của xã mình. Hội thi têm trầu cánh phượng cùng những trò chơi dân gian khác đã tạo nên sân chơi lành mạnh, tích cực, hướng mọi người trở về với những điều bình dị, thân thương.

Bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hội thi têm trầu cánh phượng cùng với những trò chơi dân gian luôn được những người con dân đất Việt khi trẩy hội chùa Keo hưởng ứng nhiệt tình. Những trò chơi dân gian ấy không chỉ góp phần hâm nóng không khí của mỗi mùa lễ hội, xua đi bao mệt nhọc, lo toan của cuộc sống thường ngày bận rộn, hối hả, mà còn tạo nên sự hứng khởi, giúp con người xích lại gần nhau hơn, hướng đến những giá trị nhân văn truyền thống.


Ông Bùi Văn Thương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Vũ Thư


Hội thu chùa Keo năm nay vinh dự đón bằng ghi danh lễ hội chùa Keo là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài hoạt động tế lễ thì các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa thể thao cũng được chú trọng và diễn ra trong suốt những ngày lễ hội. Qua các trò chơi dân gian như têm trầu cánh phượng, leo cầu ngô, bắt vịt, đập niêu, bịt mắt đánh trống..., thế hệ hôm nay hiểu được phần nào những thú chơi và nét văn hóa của cha ông ngày trước, để từ đó góp phần giữ gìn, phát huy và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
 
Ông Nguyễn Hữu Kha,Trưởng ban khánh tiết chùa Keo


Cứ mỗi mùa lễ hội, dân làng chúng tôi đều nô nức sắp xếp mọi công việc riêng để nhiệt tình tham gia vào các hoạt động trong suốt những ngày diễn ra hội chùa Keo. Từ người già, người trẻ đến các cháu nhỏ đều rất hào hứng, phấn khởi, nhất là năm nay lễ hội chùa Keo được đón bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài các hoạt động tế lễ thì các hội thi dân gian giúp mọi người giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, để sau mùa lễ hội tiếp tục với công việc phán khởi hơn.

Chị Nguyễn Thị Hậu, đội têm trầu xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư


Thật vinh dự khi mình được cùng các chị em tham gia hội thi têm trầu của lễ hội chùa Keo. Năm nào cũng vậy, chúng mình đều cảm thấy rất hào hứng, vui vẻ, mong chờ đến ngày diễn ra hội thi. Trước đây chưa biết têm trầu nhưng các chị em đều khích lệ nhau ra sức tập luyện bởi đây là nét đẹp văn hóa truyền thống, mình phải làm thật tốt để sau này còn truyền dạy cho các con, các cháu. Có như vậy, những nét đẹp văn hóa dân gian mới được tiếp tục gìn giữ, phát huy.


Anh Tú 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày