Thứ 3, 23/07/2024, 13:25[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Thứ 5, 02/11/2017 | 16:08:20
996 lượt xem
Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Đại biểu Đoàn đai biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu tại hội trường.

Buổi sáng, có 16 đại biểu phát biểu, 11 đại biểu tham gia tranh luận góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. 

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017. 

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng kinh tế. 

Về các giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ trong thời gian vừa qua, phòng chống dịch bệnh, giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng; tiếp tục chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, dân số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia phát biểu ý kiến và đề nghị Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh lại một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cho sát hợp và phản ánh đầy đủ, toàn diện các nội dung về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước; xem xét lại chỉ tiêu khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; sớm xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh toàn diện các nội dung, yêu cầu đối với các dự án đầu tư công, đảm bảo tính công khai, minh bạch và sự hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân; về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phải có mô hình đa dạng hóa, từng bước chuyển đổi, phù hợp với tập quán sản xuất địa phương.

Buổi chiều, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về nội dung tờ trình trên.

Mạnh Huân

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày