Thứ 4, 03/07/2024, 21:30[GMT+7]

Hoàn thành cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016

Thứ 3, 19/12/2017 | 10:04:34
868 lượt xem
Sau hơn một năm tổ chức, triển khai thực hiện, đến nay, cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã hoàn thành.

Người dân xã Đông Minh (Tiền Hải) thu hoạch ngao giống.

Đây là cuộc tổng điều tra được tiến hành với chu kỳ 5 năm 1 lần, thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có ngành Nông nghiệp.

Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được thực hiện nhằm đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng thời đánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2016. 

Tại Thái Bình, cuộc tổng điều tra được tiến hành ở 267 xã với 1.613 thôn, 969 trang trại, gần 520.000 hộ nông thôn và hơn 12.000 hộ khu vực thành thị có hoạt động nông, ngư nghiệp và thủy sản để thu thập thông tin cơ bản về hộ. Công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra được Ban Chỉ đạo tỉnh chuẩn bị từ đầu năm 2016, huy động gần 3.000 điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia. Công tác triển khai tổ chức cuộc tổng điều tra được thực hiện đúng phương án của Ban Chỉ đạo trung ương với tinh thần chủ động, tích cực, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả. 

Trong thời gian tiến hành điều tra, Ban Chỉ đạo tỉnh và huyện tăng cường giám sát tại địa bàn, tổ chức 45 lượt đoàn giám sát tại các địa bàn. Do đó, hơn 532.000 phiếu điều tra hộ toàn bộ đã bảo đảm yêu cầu về chất lượng các chỉ tiêu thu thập, giảm sai sót có tính hệ thống trong kỹ thuật ghi phiếu, tạo thuận lợi cho khâu kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao các cấp. Trong quá trình nghiệm thu, thực hiện đúng quy trình của trung ương, phối hợp và yêu cầu điều tra viên sửa lỗi thông tin còn thiếu, các chi cục tiến hành rà soát lại phiếu điều tra cùng với tổ công tác cấp tỉnh.

Theo kết quả tổng điều tra tại thời điểm 1/7/2016, tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh là 532.759 hộ, trong đó khu vực nông thôn 519.952 hộ, khu vực thành thị 12.834 hộ. Kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo hướng tích cực, số hộ và số lao động nông thôn trong những năm vừa qua không chỉ biến động về lượng mà quan trọng hơn đã có sự chuyển dịch dần sang hoạt động phi nông nghiệp và thủy sản. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. So với năm 2011, tại thời điểm tổng điều tra 1/7/2016, số lượng hộ nông nghiệp, nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh có xu hướng giảm nhanh. Số lượng hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 279.000 hộ năm 2011 xuống còn 214.000 hộ năm 2016. Số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh. 

Trong 5 năm, từ 2011 đến 2016, nhờ có những chính sách, giải pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất ngành nghề trong tỉnh đã tạo điều kiện cho sự chuyển dịch khá nhanh số hộ thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ở khu vực nông thôn sang phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng tích cực diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng tốc độ chuyển dịch cũng có sự khác biệt giữa các địa phương.

Trang trại nuôi gà đẻ của gia đình ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cho hiệu quả kinh tế cao.

Kết quả cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã phản ánh thực trạng, động thái kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011 - 2016 với những thành tựu cơ bản như: kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản đang trong quá trình cơ cấu kinh tế lại về loại hình và quy mô sản xuất; ruộng đất được tích tụ với khâu dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất đang từng bước phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống cung cấp điện, nước sạch, đường giao thông nông thôn, trường mầm non và phổ thông các cấp, trạm y tế xã được mở rộng diện bao phủ và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao…

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh.

Bên cạnh những thành tựu vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong khu vực nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, đó là: quy mô sản xuất đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn còn phổ biến, năng suất lao động trong nông thôn, nông nghiệp còn thấp; lực lượng lao động đông đảo nhưng tay nghề chuyên môn thấp, hầu hết lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản không được đào tạo, chủ yếu là lao động thủ công nên cơ hội tìm kiếm được việc làm thu nhập cao bị hạn chế, đây cũng là thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. 

Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, thành tựu trong 30 năm đổi mới nói chung và 5 năm 2011 - 2016 nói riêng sẽ tiếp tục được phát huy; khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ dần được khắc phục, xử lý; tình hình kinh tế - xã hội nông thôn, nông nghiệp Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Phạm Văn Ca

(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh,

Trưởng ban Chỉ đạo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh Thái Bình năm 2016)