Thứ 2, 20/05/2024, 17:17[GMT+7]

Cần sự vào cuộc từ các doanh nghiệp

Thứ 6, 25/05/2018 | 08:46:23
3,696 lượt xem
...Đến nay vẫn còn 60/300 doanh nghiệp đang có hoạt động xuất nhập khẩu chưa làm thủ tục kê khai hải quan tại Thái Bình. Điều này không chỉ làm giảm nguồn thu ngân sách cho tỉnh mà còn không phản ánh trung thực nền kinh tế địa phương.

Dự tính nếu các doanh nghiệp thực hiện kê khai hải quan tại Thái Bình đủ thì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ vào khoảng 3,4 tỷ USD/năm.

Những năm qua, Thái Bình luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhất là giá trị sản xuất ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ luôn đạt mức hai con số. Có được kết quả đó là do UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức họp với các doanh nghiệp để động viên đồng thời nhắc nhở, gắn trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ tại tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 60/300 doanh nghiệp đang có hoạt động xuất nhập khẩu chưa làm thủ tục kê khai hải quan tại Thái Bình. Điều này không chỉ làm giảm nguồn thu ngân sách cho tỉnh mà còn không phản ánh trung thực nền kinh tế địa phương.

Chi cục Hải quan Thái Bình:

  • Năm 2017 đã làm thủ tục cho 268 doanh nghiệp với trên 50.000 tờ khai; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã làm thủ tục là 2,6 tỷ USD, số thuế nộp ngân sách tỉnh 1.167 tỷ đồng;
  • 4 tháng đầu năm 2018 làm thủ tục cho trên 230 doanh nghiệp với trên 18.000 tờ khai; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 950 triệu USD;
  • Tính đến ngày 10/5 đã thu 614,4 tỷ đồng, đạt 72,2% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.


Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, Chi cục Hải quan Thái Bình đã gửi công văn và đến trực tiếp một số doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp. Kết quả, từ tháng 8/2017 đến nay đã có thêm 6 doanh nghiệp thực hiện kê khai hải quan tại tỉnh như Công ty TNHH Ivory Việt Nam, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Đại Đồng, Công ty TNHH May Hưng Nhân, Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Vinacomin... Nhiều doanh nghiệp chưa làm thủ tục tại tỉnh với các lý do phổ biến như thực hiện kê khai gấp, kê khai nhiều và kê khai qua công ty mẹ hoặc đã quen thuê làm dịch vụ nên ngại thay đổi.

Là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn với 4 nhà máy ở Thái Bình nhưng lại chưa thực hiện các nghĩa vụ nhà nước tại tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: Lý do chúng tôi chưa kê khai thủ tục ở Thái Bình là do May 10 có 18 nhà máy tại 7 tỉnh, thành phố với đặc thù của ngành may là thời gian làm gấp đồng thời khách hàng ngày càng thay đổi nên các đơn hàng thường xuyên chuyển giữa các nhà máy với nhau, do đó, nếu kê khai tại tỉnh sẽ chưa biết phải làm thủ tục như thế nào. Ngoài ra, để làm được điều đó thì May 10 phải có một bộ phận nhân sự ở Hà Nội và ở Thái Bình chuyên về việc kê khai ở các tỉnh, như thế sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Tuy nhiên, May 10 chắc chắn sẽ chuyển về Thái Bình kê khai trong thời gian tới vì quy mô ở Thái Bình tương đối lớn.

Tương tự như May 10, Công ty TNHH Minh Trí tại Thái Bình cũng có  5 đơn vị hoạt động ở 3 tỉnh, thành phố khác nhau nên toàn bộ những thủ tục về xuất nhập khẩu ở các tỉnh cũng như các thủ tục làm việc với khách hàng được tập trung hết tại trụ sở chính tại Hà Nội. Do đó, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu của Công ty ở Thái Bình khá lớn, tới 52 triệu USD/năm, song đến nay đơn vị này vẫn chưa kê khai ở tỉnh.

Lý do các doanh nghiệp đưa ra lại không vướng ở các sở, ngành của tỉnh mà quan trọng nhất là hành động của các doanh nghiệp. Trong khi hiện nay ngành Hải quan đã làm thủ tục khai báo điện tử nên các doanh nghiệp có thể ngồi bất cứ đâu, ở vị trí nào cũng khai báo được về Thái Bình. 

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan khẳng định: Tất cả các vấn đề về thủ tục hải quan hiện nay rất thuận lợi nên những vấn đề các doanh nghiệp đưa ra không có gì là không giải quyết được mà quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với tỉnh. Các doanh nghiệp nên hòa chung với khí thế phát triển của tỉnh để cùng với cộng đồng doanh nghiệp góp sức cho tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, phía hải quan cũng phải mở rộng khả năng địa bàn hoạt động ra các tỉnh để đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu cho tỉnh.

Tổng công ty May 10 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD/năm, tuy nhiên đến nay chưa làm thủ tục kê khai hải quan tại tỉnh.

Trong bối cảnh Thái Bình có nhiều cơ hội tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp như khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển sắp triển khai, nếu các doanh nghiệp không chớp thời cơ để phát triển, đóng góp cho tỉnh đó là điều rất đáng tiếc. Vì thế, các doanh nghiệp nên sớm thực hiện kê khai thủ tục hải quan tại Thái Bình để tăng nguồn thu, kim ngạch xuất nhập khẩu, phản ánh đúng năng lực thu hút đầu tư của tỉnh.  

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Những năm qua, Hiệp hội đã có quy chế phối hợp với Chi cục Hải quan Thái Bình, trong đó có nhiều lĩnh vực Chi cục phải có trách nhiệm tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Hiệp hội cam kết sẽ đưa thông tin của hải quan đến các doanh nghiệp và khuyến khích, động viên doanh nghiệp tham gia kê khai tại tỉnh. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ thành lập bộ phận tư vấn tại văn phòng của Hiệp hội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có tư vấn về thủ tục xuất nhập khẩu của hải quan. Tuy nhiên, tôi vẫn mong Chi cục Hải quan Thái Bình cải tiến mạnh hơn nữa về  thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp làm thủ tục kê khai tại tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao

Công ty đã làm thủ tục kê khai xuất nhập khẩu ở Chi cục Hải quan Thái Bình 2 năm qua, trong đó năm 2017 đã mở được 10.000 tờ khai với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 274 triệu USD. Dự kiến năm 2018 Công ty sẽ có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 365 triệu USD, trong đó xuất khẩu khoảng 240 triệu USD, nhập khẩu khoảng 125 triệu USD nên chắc chắn số lượng tờ khai sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi thấy rất mừng vì tất cả thủ tục khai báo hiện nay rất thuận lợi do công nghệ thông tin phát triển, hơn nữa nhân viên tại Thái Bình có kỹ năng rất tốt. Đặc biệt, thời gian tới, lĩnh vực thương mại điện tử của các khách hàng dệt may ngày càng phát triển, yêu cầu về sự thay đổi của khách hàng càng lớn, do đó việc mở tờ khai và thực hiện xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Thái Bình sẽ rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý

Công ty đã thực hiện kê khai thủ tục tại Chi cục Hải quan Thái Bình ngay từ khi thực hiện lô hàng xuất khẩu đầu tiên. Từ đó tới nay Công ty cảm thấy rất yên tâm và hài lòng với sự phối hợp của Chi cục, đặc biệt là sự nhanh chóng vào cuộc xử lý các khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, Công ty đã thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tương đối đều đặn về mặt hàng sợi cung ứng cho ngành dệt may với khoảng hơn 5 triệu USD/tháng. Công ty luôn nhận thức rằng khi doanh nghiệp đã được hưởng nhiều ưu đãi cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh thì không có lý do gì lại không thực hiện nghĩa vụ thuế tại tỉnh. Vì thế, năm 2019, Trà Lý sẽ có một nhà máy tại Hưng Yên vào hoạt động nhưng chắc chắn sẽ làm thủ tục hải quan cho nhà máy đó tại Thái Bình để đóng góp ngân sách cho tỉnh.

Thu Thủy