Thứ 3, 30/07/2024, 23:27[GMT+7]

Dân chủ - động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Thứ 4, 18/07/2018 | 08:44:09
1,808 lượt xem
Những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng kết hợp nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân viên, người lao động, từ đó tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Công nhân làm việc tại nhà máy gạch tuynel xã Tây Phong (Tiền Hải).

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Hải (thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải) hiện đang tạo việc làm ổn định cho gần 140 lao động trong đó nhiều người đã gắn bó với Công ty hàng chục năm nay. 

Anh Đoàn Văn Mến, cán bộ kỹ thuật nhà máy gạch tuynel xã Tây Phong (Tiền Hải) - đơn vị trực thuộc Công ty cho biết: Tôi làm việc tại Công ty đã 17 năm. Bên cạnh tập trung cho sản xuất, kinh doanh, Công ty rất quan tâm đến việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc như: tổ chức đối thoại với người lao động (NLĐ); NLĐ được trực tiếp theo dõi, ký tên vào bảng lương và các thu nhập thêm hàng tháng, theo dõi cụ thể các khoản trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các bữa ăn của NLĐ... Vì vậy, tôi cùng anh em trong nhà máy đều rất hài lòng, yên tâm sản xuất.

Cùng gắn bó lâu năm với nhà máy, anh Lê Văn Hồng, công nhân lò đốt cho biết: Sở dĩ tôi gắn bó với Công ty hơn 20 năm nay là do Công ty luôn quan tâm đến NLĐ, có chế độ cơm ca, cấp quần áo bảo hộ, mũ, giầy, găng tay, NLĐ được ăn cháo chống nóng trong suốt 3 tháng mùa hè... Tất cả các chế độ đều được công khai, NLĐ trực tiếp giám sát việc thực hiện. 

Theo ông Nguyễn Quang Huyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Hải: Công ty luôn chú trọng thực hiện tốt dân chủ trong doanh nghiệp. Chính vì được phổ biến cụ thể, được tham gia đầy đủ các kỳ họp giao ban hàng tháng, các buổi đối thoại, hội nghị NLĐ nên NLĐ thực sự yên tâm làm việc và tự đánh giá về quyền lợi và nghĩa vụ bản thân, xác định được mức độ lao động và tiền lương được hưởng theo công việc được giao. Vì vậy, nhiều năm qua trong doanh nghiệp tình hình ổn định, không có tình trạng ngừng việc tập thể, thu nhập của NLĐ cao hơn trước.

Công nhân Công ty Cổ phần May Hà Thành (xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ) có thu nhập bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Cùng quan điểm với ông Huyến, ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Xí nghiệp May xuất khẩu Hoàng Anh (thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ) cũng cho rằng, phát huy tốt dân chủ sẽ tạo được sự đồng thuận, chung sức đồng lòng từ cán bộ, nhân viên, NLĐ, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Xí nghiệp thường xuyên chú trọng việc đối thoại với NLĐ. Việc đối thoại không chỉ tại hội nghị NLĐ tổ chức cuối năm mà được “mềm hóa” thông qua việc lãnh đạo Xí nghiệp trực tiếp xuống các xưởng, vừa kiểm tra tình hình sản xuất vừa lắng nghe ý kiến, kiến nghị của NLĐ vừa trực tiếp đối thoại. Ngoài ra, NLĐ có thể phản ánh ý kiến tới tổ trưởng, các ý kiến được tổng hợp, gửi về ban giám đốc. Sáng thứ hai hàng tuần, ban giám đốc sẽ trực tiếp giải đáp từng ý kiến...

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Vừa qua, qua kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, có thể khẳng định cấp ủy, ban giám đốc các doanh nghiệp được kiểm tra đã nâng cao nhận thức về vai trò, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; qua đó, giúp cán bộ, nhân viên, NLĐ hiểu và tham gia thực hiện tốt dân chủ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc việc công khai tới NLĐ các nội dung về chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh; công tác tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương, công khai tài chính; chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ. Tạo điều kiện để NLĐ tham gia góp ý kiến vào các nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị; thương lượng, thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tiến hành giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, việc thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị, các chế độ, chính sách đối với NLĐ theo quy định của pháp luật. Hàng năm, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị, đối thoại trực tiếp định kỳ với NLĐ, qua đó tiếp thu, giải đáp, trao đổi về các kiến nghị, thắc mắc, góp phần củng cố mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số đơn vị chưa thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và ban hành quy chế đối thoại theo quy định. Một số doanh nghiệp ngoài nhà nước, việc đối thoại với NLĐ, tổ chức hội nghị NLĐ chưa theo đúng quy định. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của NLĐ có việc chưa kịp thời... Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện dân chủ gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ.

Đào Quyên