Thứ 4, 24/07/2024, 00:31[GMT+7]

Vũ Chính Ðiểm sáng phát triển nghề và làng nghề

Thứ 6, 27/02/2015 | 14:33:10
2,171 lượt xem
Hiện nay, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận: làng nghề Ðông Hải chuyên sản xuất đồ gỗ và làng Tống Văn làm nghề đan làn nhựa. Bốn năm trở lại đây, Vũ Chính luôn được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác phát triển nghề và làng nghề.

Nghề đan làn nhựa giúp nhiều người dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) có thêm thu nhập.

 

Trong những năm qua, Vũ Chính luôn xác định lĩnh vực nghề và làng nghề có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng nhiều chính sách hỗ trợ như tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân vay vốn khôi phục và phát triển nghề, đến nay 2 làng nghề Ðông Hải và Tống Văn đang phát triển mạnh mẽ, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương.

 

Hiện nay, làng Ðông Hải có hơn 500 lao động thì có tới 420 lao động làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ và gỗ dân dụng, chiếm 84% tổng số lao động của làng. Năm 2014, giá trị sản xuất của làng nghề Ðông Hải đạt hơn 22 tỷ đồng. Ngoài các cơ sở sản xuất theo hộ gia đình, trong làng hiện có 4 doanh nghiệp lớn, thu hút 150 lao động. Ðiển hình như Công ty TNHH Chế biến lâm sản Việt Hà Anh, Cơ sở chế biến gỗ Tùng Dương đã tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Nghề đan làn nhựa cũng đang phát triển mạnh tại xã Vũ Chính, trong đó tập trung sản xuất chủ yếu tại làng nghề Tống Văn. Nghề đan làn được hình thành và phát triển tại địa phương trong đầu thập kỷ 90. Lúc đầu nguyên liệu chủ yếu là sợi cói, sợi dừa để đan túi và làn xách. Những năm gần đây, người dân địa phương đã chuyển sang đan sợi nhựa có độ bền và thẩm mỹ cao hơn, cùng với đó là luôn tạo ra các mẫu mã sản phẩm đa dạng để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm từ nguyên liệu nhựa như làn, túi xách của làng nghề Tống Văn không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, mà còn có mặt tại thị trường Mỹ, Ðức, Ðài Loan, Canada... Hiện nay, làng nghề Tống Văn có 880 lao động thì có gần 840 lao động làm nghề đan làn nhựa, chiếm 95%; thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất từ nghề năm 2014 của làng nghề Tống Văn đạt gần 6 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình trong làng Tống Văn làm nghề đan làn trước đây cũng đã phát triển thành lập cơ sở sản xuất, làm giàu từ chính nghề này, như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, hộ anh Lại Văn Hải, hộ anh Nguyễn Văn Thịnh... Trung bình hàng năm, mỗi cơ sở này sản xuất khoảng 30 vạn sản phẩm, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động trong làng nghề. Ðiều đặc biệt, nghề đan làn nhựa không có tác động gây ô nhiễm môi trường, các phế liệu sau sản xuất cũng được thu gom để tái chế; ngoài ra nghề này không vất vả nên người lớn tuổi cũng có thể làm được, giúp đỡ gia đình có thêm thu nhập trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.

 

Ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết: Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển nghề và làng nghề, thời gian tới UBND xã tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể định hướng phát triển nghề cho nhân dân để họ ý thức duy trì và phát triển nghề truyền thống, kết hợp tiếp thu các ngành nghề mới, tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời mở các lớp dạy nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, xã sẽ có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Phấn đấu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương đạt gần 337 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2014.

 Trần Tuấn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày