Thứ 5, 04/07/2024, 12:19[GMT+7]

Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tra cứu, mượn, trả sách

Thứ 4, 22/08/2018 | 08:28:33
2,018 lượt xem
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong việc nâng cao dân trí, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh (Thư viện tỉnh) không ngừng đổi mới cách thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước thúc đẩy việc đọc sách theo hướng hiện đại.

Cán bộ Thư viện tỉnh quét thẻ bạn đọc kiểm soát số lượng sách mượn quá hạn.

Trung bình mỗi ngày Thư viện tỉnh đón tiếp khoảng 200 lượt bạn đọc. Vào dịp hè, số lượng người đến đọc sách, báo, tạp chí... đông hơn (trên 400 lượt người). Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung trên 5.300 đầu sách, báo, tạp chí. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ khâu tra cứu đến mượn, trả sách. Nếu như trước đây bạn đọc muốn mượn sách phải qua nhiều bước (tra cứu thủ công trên hộp thư mục, viết phiếu yêu cầu với đầy đủ thông tin tên sách, tác giả, năm xuất bản, ký hiệu xếp giá, chuyển cho thủ thư, thủ thư lấy sách phục vụ bạn đọc, kẹp thẻ và giữ lại phiếu yêu cầu để thống kê lượt sách) thì nay việc tra cứu mượn sách được thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn. 

Với việc ứng dụng CNTT trong tra cứu, mượn sách, bạn đọc có thể sử dụng máy tính, điện thoại di động, tự tra cứu trên website của Thư viện tỉnh, ghi thông tin cuốn sách, tạp chí cần tìm kiếm rồi chuyển lại cho thủ thư hoặc tra trực tiếp trên máy của Thư viện tỉnh. Người đọc chỉ cần gõ cụm từ cần tìm kiếm, máy sẽ hiển thị thông tin các đầu sách liên quan đến từ khóa cần tìm được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu thư mục. Tại đây, người đọc còn có thể xem thông tin khái quát về tác phẩm. Việc ứng dụng CNTT tìm kiếm ở kho mượn và kho thiếu nhi đã giảm 1/3 thời gian so với việc tra cứu thủ công và có nhiều sự lựa chọn về nội dung thông tin liên quan đến nội dung cần tìm.

Chị Đỗ Thị Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Công tác bạn đọc, Thư viện tỉnh cho biết: Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục để thuận tiện tra cứu, tìm kiếm các đầu sách, Thư viện tỉnh đã thiết lập và ứng dụng phần mềm quản lý thẻ bạn đọc. Khi quét thẻ, cán bộ thư viện sẽ theo dõi và quản lý được số sách bạn đọc đang mượn, thời gian mượn, quá hạn bao nhiêu ngày và thông tin bạn đọc ở đâu. Cán bộ thư viện sẽ nhắc nhở bạn đọc mượn, trả sách theo đúng quy định đồng thời tránh mất thời gian tìm kiếm khi bạn đọc khác muốn mượn cùng cuốn sách.

Em Đặng Hồng Nga, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Thái Bình thường xuyên đến Thư viện tỉnh đọc sách vào dịp hè. Nga chia sẻ: Trước kia, muốn tìm hiểu một vấn đề phải tra cứu, đọc nhiều cuốn sách mới tìm được nội dung cần tìm kiếm. Hiện nay, việc tra cứu đỡ mất thời gian hơn khi Thư viện tỉnh có phần mềm trên website và phòng đa chức năng. Với hệ thống máy tính được trang bị tại phòng đa chức năng, người đọc chỉ cần gõ cụm từ cần tìm kiếm là ra được nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cần tìm, điều này tạo thuận lợi cho em rất nhiều khi muốn bổ sung thêm kiến thức cho việc học tập.

Với xu hướng hiện nay, việc tra cứu theo mục lục vẫn còn những hạn chế. Để phù hợp với thực tiễn, Thư viện tỉnh đang thực hiện thí điểm nội bộ việc tra cứu toàn văn. 

Bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án thư viện điện tử, thư viện số, Thư viện tỉnh đã số hóa 2.000 cuốn sách địa chí, tài liệu quý hiếm về tỉnh để đưa lên website và hiện đang chạy thử nghiệm nội bộ. Việc thực hiện thư viện điện tử, thư viện số sẽ tạo điều kiện để bạn đọc tra cứu thông tin, mở rộng toàn văn những tài liệu cần tìm kiếm. Ở mọi lúc, mọi nơi có máy tính nối mạng, bạn đọc có thể tìm và đọc được nội dung mình muốn mà không cần tới thư viện. Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ liên kết với các thư viện trong nước, quốc tế để mở rộng thông tin tra cứu, phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

Hoàng Lanh