Thứ 3, 30/07/2024, 23:29[GMT+7]

Phấn đấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2030 đạt 35.000 – 36.000 tỷ đồng

Thứ 4, 29/08/2018 | 15:28:13
2,919 lượt xem
Sáng ngày 29/8, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trình bày tóm tắt Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt 27.800 – 28.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 35.000 – 36.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 – 2020 đạt 2,5%, giai đoạn 2021 – 2030 đạt 2,5%. Tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng lúa, khoai tây, rau xanh; diện tích trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt đạt 25%, mở rộng sản lượng tiêu thụ qua hợp đồng. Phát triển hình thức chăn nuôi trang trại tập trung; nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 

Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, báo cáo xây dựng 5 hướng đột phá chính để phát triển nông nghiệp là: xác định các mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp chính; xây dựng định hướng khu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; xác định định hướng xây dựng khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp; xây dựng khu trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho lao động nông thôn; hình thành chương trình du lịch nông nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện một số sở, ngành, địa phương đã tập trung cho ý kiến về dự thảo quy hoạch. 

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị tư vấn, trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, đồng thời bám sát những chủ trương mới nhất về nông nghiệp, nông thôn để rà soát, điều chỉnh lại dự thảo. Trong đó cần chỉ rõ quy hoạch phát triển các nông sản chủ lực của Thái Bình: gạo chất lượng cao, ngô, khoai tây, vùng rau an toàn, vùng cây ăn quả, lợn, bò, gia cầm, ngao… trên cơ sở các vùng đã có trên thực địa. Đối với hướng đột phá xây dựng khu trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho lao động nông thôn cần nhấn mạnh việc đào tạo, liên kết để có nguồn lao động nông nghiệp công nghệ cao; rà soát, bổ sung lại quy hoạch phát triển thủy lợi để phục vụ có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng và sinh hoạt của người dân. Rà soát một số nội dung, chỉ tiêu để phù hợp với các đề án đã được phê duyệt.

Lưu Ngần