Thứ 3, 21/05/2024, 01:43[GMT+7]

Nam Định nâng cao trách nhiệm hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 06/09/2018 | 07:26:07
912 lượt xem
Đến nay, tỉnh Nam Định có 95,7% số xã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới với gần 60% lao động nông thôn qua đào tạo, số lao động thuần nông dưới 30%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,91%. Thực tế ở tỉnh Nam Định cho thấy, yếu tố quan trọng để thực hiện xây dựng nông thôn mới là phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Mô hình trồng cây đinh lăng của đảng viên trẻ Đinh Văn Thuận, ở xóm Nam Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu mỗi năm cho thu nhập hơn 700 triệu đồng.

Ý Đảng, lòng dân

Xã nông thôn mới Giao Phong của huyện Giao Thủy (một trong năm huyện nông thôn mới của tỉnh Nam Định) có 11 xóm, gần 2.400 gia đình với hơn 9.000 người. Đảng bộ xã có 363 đảng viên sinh hoạt tại 15 chi bộ. Thời gian đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, Giao Phong đạt bảy tiêu chí, phải đối mặt không ít khó khăn, nhất là trong phát triển sản xuất. Toàn bộ gần 550 ha diện tích canh tác của xã nằm rải rác, cốt đất không đồng đều. Giao thông nội đồng thiếu đồng bộ, nhỏ hẹp, nền chủ yếu bằng đất cát. Kênh tưới kém hiệu quả nhưng không thể cải tạo, nâng cấp vì quỹ đất công ít, phân tán. Hệ quả, sản xuất manh mún, năng suất thấp, thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhiều người không mặn mà với nghề nông. Tháng 8-2011, Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa (DĐĐT), coi đây là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Theo đồng chí Vũ Hùng Cường, Bí thư Chi bộ xóm Lâm Phú, sau khi quán triệt nghị quyết, Chi bộ phân công, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách khu dân cư, nhóm gia đình, tổ liên gia, phối hợp chặt chẽ Ban công tác Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn xóm. Với tinh thần đảng viên nêu gương đi đầu, Bí thư Chi bộ, cấp ủy xóm chủ động vào cuộc, Chi bộ xóm Lâm Phú cùng cả xã sớm hoàn thành DĐĐT, dồn được quỹ đất công, điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp, làm mới các công trình giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng, thúc đẩy sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chủ trương của tỉnh và huyện.

Năm 2017, bình quân canh tác của xã đạt 250 triệu đồng/ha, thu nhập ước đạt 42 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%. Qua DĐĐT, xây dựng nông thôn mới, người dân Giao Phong đã hiến hơn 50 nghìn m2 đất sản xuất và đất thổ cư, góp tiền và ngày công làm nhà văn hóa, mở rộng, cứng hóa đường xóm, lắp đèn chiếu sáng, vun trồng những đường hoa,... tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Theo đồng chí Phạm Đức Tạ, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy, thành công trong DĐĐT của huyện Giao Thủy cộng với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng ruộng tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập của người dân.

Xác định thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, huyện Xuân Trường tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Theo đồng chí Đặng Ngọc Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường, địa phương xác định quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất là chủ thể; chính quyền các cấp có nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, cùng với đào tạo, nâng tầm đội ngũ cán bộ, huyện coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát,… trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng, nghĩa vụ và địa bàn phụ trách. Cán bộ lãnh đạo, quản lý dành nhiều thời gian xuống cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của nông dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, sau chuyển đổi toàn bộ 26 hợp tác xã (HTX) thành HTX kiểu mới, huyện Xuân Trường phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa theo quy hoạch, xa khu dân cư; thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Trò chuyện với người dân ở xã nông thôn mới Xuân Kiên, chúng tôi càng thấy rõ hiệu quả của cộng đồng trách nhiệm trong xây dựng NTM. Ông Bùi Quang Vinh, ở xóm 8 bày tỏ, với cách làm ăn của HTX kiểu mới, xã viên không phải làm ruộng nhưng luôn đủ lương thực, có thêm thời gian để phát triển chăn nuôi. Hội đồng quản trị HTX thực hiện tất cả các khâu trong sản xuất, áp dụng việc gieo sạ, gặt bằng máy trên toàn bộ diện tích 205 ha trồng lúa ở hai cánh đồng mẫu lớn gồm 50 thửa (thửa nhỏ nhất là 2 ha). Xã hiện có 40 trang trại và gia trại; cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh (nông nghiệp 20%, công nghiệp 40% và dịch vụ 40%), góp phần cùng huyện sớm “cán đích” nông thôn mới.

Là đơn vị thứ năm của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới (tháng 6-2015), huyện Hải Hậu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Đến nay, toàn huyện có 497 trong số 546 xóm, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới bền vững và phát triển, trong đó 148 đơn vị đạt chuẩn hai năm liền. Đồng chí Nguyễn Văn Tìm, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu chia sẻ: Cùng sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách xã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, định kỳ đánh giá lại các tiêu chí, xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện. Cùng với đó, đôn đốc MTTQ ký cam kết thi đua với các tổ chức thành viên, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đưa nội dung xây dựng nông thôn mới vào trọng tâm trong sinh hoạt Đảng. Huyện thường xuyên duy trì đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Xây dựng NTM bền vững

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 18 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó nguồn lực xã hội chiếm 71%. Các hộ dân đã hiến gần 3.000 ha đất nông nghiệp và hơn 200 ha đất thổ cư, ước trị giá 7.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương, cơ chế thu hút hợp lý, hiện tỉnh có 4.500 doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động; 130 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (tăng 51 làng nghề) với hơn 52 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Cùng với các ngành nghề truyền thống, một số nghề mới cũng phát triển, như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, móc sợi, thúc dát đồng,… tạo sản phẩm xuất đi nhiều nơi trong nước và ngoài nước, đem về thu nhập khá cho không ít gia đình, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008. Với 95,7% số xã và năm trong số 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Nam Định phấn đấu năm 2019 trở thành tỉnh nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện ở nhiều xóm, xã nông thôn mới của tỉnh Nam Định có chất lượng thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới chưa cao, chưa thật sự bền vững, rõ nhất là tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường. Rác sinh hoạt chất đống rồi đốt, chưa có cách xử lý ứng dụng khoa học công nghệ. Tại khu vực thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), rác các loại tràn lan hàng ki-lô-mét dọc bờ biển. Ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, tiến độ xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư còn chậm; nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi chưa bảo đảm vệ sinh môi trường. Nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa tốt; công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân ý thức duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới chưa hiệu quả. Trong phát triển sản xuất, chất lượng tăng trưởng chưa cao, việc quản lý chất lượng nông sản hàng hóa còn nhiều bất cập, chưa có nhiều liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản giữa doanh nghiệp với người dân. Ngoài lúa gạo, tỉnh chưa có sản phẩm chủ lực về rau, quả; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ít mô hình liên kết chuỗi giá trị; cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm. Cùng với đó, tình trạng “được mùa, mất giá” khiến việc làm, thu nhập của một bộ phận cư dân nông thôn còn bấp bênh.

Khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, tỉnh Nam Định đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương. Đồng chí Bùi Xuân Đức, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định cho biết: Từ năm 2017, cùng với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy thực hiện đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các đảng bộ và đảng ủy trực thuộc, theo các nhóm tiêu chí. Trong đó, có tiêu chí đề cập trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là căn cứ để thực hiện công tác tổ chức cán bộ, nhất là bố trí, sắp xếp, điều động, xử lý cán bộ.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu, sắp xếp lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là tuyến xã từng bước trẻ hóa, chuẩn hóa, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên, thành viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng, nâng cao chất lượng nông thôn mới.

Theo: nhandan.com.vn