Thứ 2, 20/05/2024, 14:43[GMT+7]

Bắc Ninh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của hđnd tỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội

Thứ 6, 21/09/2018 | 09:13:21
859 lượt xem
Một trong hai chức năng cơ bản của HĐND tỉnh là chức năng giám sát. Thực hiện giám sát toàn diện và nghiêm túc là cơ sở để HĐND tỉnh nghiên cứu và quyết định về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là những vấn đề an sinh xã hội của tỉnh. Vì vậy, hoạt động giám sát có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong các hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Ninh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang cùng đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh giám sát tại Trung tâm Hành chính công huyện Yên Phong.

Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, hàng năm Thường trực HĐND tỉnh tiến hành thu thập thông tin về lĩnh vực văn hóa - xã hội, các nội dung cần giám sát thông qua đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, tổ đại biểu HĐND tỉnh; của các ban HĐND tỉnh và những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp và chọn lọc, trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chương trình, nội dung giám sát của năm sau tại kỳ họp thường lệ giữa năm. Từ đó, Thường trực HĐND, các ban HĐND và các tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, xác định quy trình, hình thức, đối tượng, thời gian giám sát bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 35 cuộc giám sát, khảo sát về một số vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm như: đề án dạy, học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở và các bệnh viện tuyến tỉnh; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, hộ nghèo… Trong quá trình giám sát, HĐND tỉnh tạo sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát để cùng tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém. Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho Ban Văn hóa - Xã hội giám sát về việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh, qua giám sát phát hiện ra những hạn chế, bất cập về điều kiện cơ sở vật chất, quy mô số học sinh trên lớp chưa bảo đảm, trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều, còn sự thiếu đồng thuận của phụ huynh học sinh và cả trong đội ngũ cán bộ giảng dạy... Từ đó, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại hiệu quả, đến nay đã tạm ngừng triển khai mô hình này.

Để giám sát chuyên sâu và có cơ sở quyết định các nghị quyết chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan về chính sách chuẩn bị ban hành, qua đó có thêm thông tin để quyết định vấn đề. Bên cạnh đó, một số nội dung giám sát còn phát phiếu điều tra xã hội học, là cơ sở khoa học để đánh giá khách quan, chính xác các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.

Công tác giám sát tại kỳ họp HĐND tỉnh cũng được tăng cường theo hướng đổi mới, thiết thực. Ngoài việc trả lời các ý kiến đề nghị, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh còn chủ động lựa chọn một số nội dung được cử tri quan tâm, đề nghị UBND tỉnh xem xét trả lời, đồng thời báo cáo tại kỳ họp. Nội dung chất vấn của các đại biểu có nhiều tiến bộ không những về số lượng, số lần chất vấn mà còn ở chất lượng câu hỏi và theo bám vấn đề đến cùng. Nội dung trả lời được các ngành làm rõ và đề xuất được các giải pháp.

Ngoài giám sát thường xuyên của Thường trực và các ban HĐND, Thường trực HĐND tỉnh còn định hướng hoạt động giám sát cho các tổ đại biểu HĐND tỉnh được bầu cử tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi và đảng viên được tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng trở lên trên địa bàn tỉnh; về hỗ trợ kinh phí cho đối tượng cận nghèo mua bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế đối với người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi... bảo đảm thiết thực, hiệu quả, được cử tri và nhân dân đồng tình, hoan nghênh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 20 nghị quyết chuyên đề thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thường trực HĐND, Ban Văn hóa - Xã hội và các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát về tình hình và kết quả thực hiện các nghị quyết trên. Qua hoạt động giám sát cho thấy các nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả, được cử tri đồng tình và hưởng ứng, đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Mặt khác, giúp cho các cơ quan, đơn vị thấy được ưu điểm, kết quả và nhất là những hạn chế, tồn tại, từ đó có biện pháp khắc phục, cùng với các cấp, các ngành hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh sẽ không ngừng nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của HĐND cho cả cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự giám sát. Nghiên cứu, tham khảo nội dung chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể, hợp lý. Trên cơ sở chương trình giám sát đã được HĐND tỉnh thông qua, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, phân công cho Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức giám sát. Đối với những nội dung cần phối hợp với các ban thì giao Ban Văn hóa - Xã hội chủ trì, các ban khác phối hợp thực hiện. Đổi mới cách thức giám sát, nội dung, vấn đề giám sát cần được chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm thiết thực, hiệu quả. Phương thức giám sát phải phù hợp với nội dung, đối tượng, thời điểm. Thành phần tham gia đoàn giám sát phải có hiểu biết lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Các thành viên đoàn giám sát tích cực nghiên cứu để phát hiện, kiến nghị khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để có kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý. Sau giám sát, theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá kết quả, hiệu lực giám sát. Nâng cao năng lực giám sát của Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực, hiểu biết về lĩnh vực được phân công, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng giám sát cho các đại biểu HĐND tỉnh. Các đại biểu không chuyên trách phải tự nâng cao trách nhiệm, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước HĐND. Nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy giúp việc cho HĐND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tham mưu, phục vụ; bố trí hợp lý các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động giám sát. Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giám sát, Quốc hội sớm ban hành quy chế hoạt động của HĐND, trong đó nêu rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Thường trực HĐND, nhất là trong việc xử lý các nội dung của UBND tỉnh kiến nghị giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Quy định rõ chế tài đối với các đơn vị được giám sát trong việc chấp hành các kiến nghị sau giám sát nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày