Thứ 5, 25/07/2024, 18:54[GMT+7]

Bệnh viện Phổi Thái Bình: Xây dựng môi trường không khói thuốc

Thứ 5, 01/11/2018 | 08:43:01
3,868 lượt xem
Để hạn chế tình trạng người dân mắc bệnh lao và các bệnh về phổi do hút thuốc lá, trong những năm qua Bệnh viện Phổi Thái Bình đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá tới bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Ít nhất 3 tháng 1 lần, bệnh nhân Trần Văn Đệ, 70 tuổi, quê xã Độc Lập (Hưng Hà) lại phải đi điều trị tại Bệnh viện Phổi Thái Bình với căn bệnh viêm phổi co thắt phế quản mãn tính. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nặng thêm là do trước kia ông nghiện thuốc lá. Đến Bệnh viện điều trị, ông đã hiểu rõ về tác hại của thuốc lá nên bắt đầu quyết tâm bỏ thuốc. Ông cũng khuyên những người đang hút thuốc lá như ông nên bỏ để tránh gánh nặng bệnh tật do khói thuốc lá gây ra.

Còn bệnh nhân Nguyễn Văn Siu ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), mặc dù biết thuốc lào rất nguy hiểm nhưng trước kia địa phương nơi ông sinh sống là vùng trồng thuốc lào nổi tiếng nên đa phần xung quanh ông ai ai cũng hút thuốc, ông cũng thế, chỉ đến khi thường xuyên bị ho, sốt, tức ngực, khó thở, sức khỏe suy kiệt... phải nhập viện điều trị với căn bệnh co thắt đường hô hấp phổi ông mới bỏ hẳn được thuốc lào. Ông cho biết: Quê tôi trước trồng thuốc lào nên ai cũng hút thuốc, ngày đó tôi cũng nghiện không bỏ nổi. Nhưng 10 năm nay tôi bị bệnh phải đi viện thường xuyên nên tôi mới bỏ được thuốc...

Tại Bệnh viện Phổi Thái Bình, hàng năm tiếp nhận khoảng gần 2.000 bệnh nhân điều trị, trong đó có khoảng 1.343 bệnh nhân lao, còn lại là các bệnh phổi ngoài lao khác; trong số bệnh phổi ngoài lao thì số bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến thuốc lá, thuốc lào chiếm trên 60%, chủ yếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Đa phần bệnh nhân tại đây họ đều hút thuốc lá từ 15 - 20 năm, không ít người hút thuốc 40 - 50 năm. Những bệnh nhân nghiện thuốc lá có độ tuổi từ 35 - 40 tuổi trở lên, người cao tuổi nhất cũng ngoài 80 tuổi. Có trường hợp bệnh nhân khi bị ho nhiều lại nghĩ do bị cảm cúm nên tự mua thuốc về điều trị đến khi bệnh không thuyên giảm mà nặng thêm mới tìm đến bệnh viện kiểm tra thì lá phổi cũng đã bị hủy hoại nghiêm trọng. 

Bác sĩ Nguyễn Công Hoan, Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Thái Bình chia sẻ: Bệnh nhân điều trị tại Khoa ngày một gia tăng, đa phần là bệnh liên quan do sử dụng thuốc lá gây ra, với những diện bệnh như: viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính... Nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện đã rất nặng, điều trị mất nhiều thời gian.

Do tính chất đặc thù của một bệnh viện chuyên điều trị về bệnh phổi, môi trường nơi đây không cho phép xuất hiện khói thuốc lá. Bệnh viện đã triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đa dạng tại tất cả các khoa, phòng như: truyền thông bằng pa nô, áp phích, niêm yết các hình ảnh không hút thuốc lá... Đồng thời, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản, quy định về việc không hút thuốc lá trong các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh, tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh. 

Trước đây, tại Bệnh viện dù đã được các thầy thuốc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, khuyên nhủ, động viên nhưng tình trạng hút thuốc lá tại Bệnh viện vẫn còn nhiều. Không ít bệnh nhân để thỏa mãn cơn thèm thuốc vẫn hút vụng, hút trộm bác sĩ. Nhưng nay hình ảnh đó đã thay đổi, điểm dễ nhận thấy nhất của Bệnh viện chính là các khẩu hiệu cấm hút thuốc được đặt ở hầu hết trong khuôn viên và các khoa, phòng của Bệnh viện, những nơi dễ nhìn thấy và nơi nhiều người đi lại nhất. Rất khó để chúng ta bắt gặp được hình ảnh hút thuốc lá ở người đến khám, điều trị bệnh.

Bác sĩ CKII Vũ Văn Trâm, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình chia sẻ: Ở đây chúng tôi thực hiện cấm hút thuốc lá rất triệt để theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bởi đối với bệnh nhân, khói thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là bệnh nhân bị các bệnh về phổi, chính khói thuốc lá của người hút là nguyên nhân gây khởi phát cơn hen cho bệnh nhân. Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tổ chức phát động thi đua, mỗi đoàn viên công đoàn đăng ký bản cam kết không sử dụng thuốc lá tại đơn vị. Đưa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của Bệnh viện. Tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền nhắc nhở... Vì thế, tại Bệnh viện nhiều cán bộ trước kia nghiện thuốc nhưng giờ đã bỏ thuốc, bệnh nhân thì tuyệt đối không hút thuốc, còn người nhà đến thăm hỏi thì hạn chế hút thuốc rất nhiều...

Sự quyết tâm, những cố gắng của tập thể lãnh đạo Bệnh viện trong việc nói không với thuốc lá không chỉ góp phần hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá đối với sức khỏe bệnh nhân và những người xung quanh mà còn có sức lan tỏa, tác động đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực và đi vào thực tiễn đời sống, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì hơn hết vẫn cần sự tự giác bỏ thuốc lá của mỗi người dân. Có như vậy mới có thể xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp không khói thuốc lá, góp phần xây dựng một xã hội thực sự khỏe mạnh.

Hoàng Thía

(Trung tâm TT - GDSK tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày