Thứ 6, 26/07/2024, 13:23[GMT+7]

8/8 huyện, thành phố xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 27/03/2019 | 17:26:37
1,725 lượt xem
Chiều ngày 27/3, UBND tỉnh tổ chức họp chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 8_huyen_thanh_pho_xuat_hien_ta_lon_280319_mixdown.mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố dự họp.

Từ đầu tháng 2/2019 đến nay, cả nước đã có 21 tỉnh, thành phố phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong tỉnh, từ ngày 12/2/2019 đến hết ngày 25/3/2019, dịch xảy ra tại 151 xã của 8/8 huyện, thành phố gồm: Đông Hưng 40 xã; Quỳnh Phụ 31 xã; Hưng Hà 26 xã; Kiến Xương 19 xã; Thái Thụy 24 xã; Vũ Thư 9 xã; Tiền Hải 1 xã; thành phố Thái Bình 1 xã. Tổng số lợn đã tiêu hủy đến 16 giờ ngày 26/3/2019 là 38.726 con với tổng trọng lượng 2.089.072kg. Tổng lượng hóa chất tỉnh đã hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch là 42.178 lít; các địa phương đã sử dụng 24.178 lít hóa chất và 1.292.639kg vôi bột để xử lý ổ dịch và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời bàn các giải pháp hữu hiệu nhằm dập dịch, ngăn ngừa, khống chế dịch lây lan ra diện rộng.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định mặc dù tỉnh đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh phải tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là: thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch để ngăn chặn, kiểm soát việc lây lan; thực hiện các giải pháp để tiêu thụ đàn lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất chuồng; thực hiện các giải pháp tái đàn sau khi hết dịch.

Về giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức chiến dịch ra quân thực hiện tuần lễ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh ở các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các thủ tục để tỉnh tiến hành công bố dịch ở các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Vũ Thư, từ đó tập trung nguồn lực xử lý dịch bệnh. Tổ chức công bố giá thị trường hàng tuần để làm cơ sở tính mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn tiêu hủy; thực hiện chặt chẽ quy trình, thủ tục tiêu hủy lợn và có sự giám sát của cộng đồng khi tiêu hủy. Thực hiện tiêu hủy đối với lợn ốm, chết, tránh việc tiêu hủy ồ ạt theo đàn. Đối với các huyện đã công bố dịch thì bỏ các chốt kiểm dịch ở các xã có dịch để tăng cường lực lượng kiểm soát cho huyện; đối với các xã chưa có dịch thì tiếp tục lập chốt kiểm dịch để tránh việc lây lan dịch vào địa bàn. Các huyện có giải pháp quyết liệt trong việc tiêu thụ đàn lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất chuồng. Các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, thuyết phục đảng viên, đoàn viên, hội viên nêu cao ý thức phòng, chống dịch và sử dụng thịt lợn sạch, an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tham mưu cho tỉnh thực hiện liên hệ với các cơ sở giết mổ lớn ở trong nước để tiêu thụ đàn lợn của tỉnh. Thành lập các đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ công tác phòng, chống dịch và hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập biểu theo dõi để đánh giá tình hình diễn biến của dịch; theo dõi các xã có thời gian dài không phát sinh dịch để tiến hành công bố hết dịch theo quy định; công khai kịch bản khi dịch lây lan diện rộng, tiêu hủy lợn với quy mô lớn. Tỉnh hỗ trợ kinh phí mua hóa chất và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn cho các địa phương; các huyện, xã tiếp tục huy động nguồn hóa chất và vôi bột để xử lý dịch.

Thanh Huyền