Thứ 4, 03/07/2024, 15:27[GMT+7]

Không tẩy chay thịt lợn trong bữa ăn bán trú

Thứ 6, 10/05/2019 | 08:23:29
1,227 lượt xem
Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh ở Hưng Hà, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã tạm dừng việc đưa thịt lợn vào bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn, bằng việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và bảo đảm quy trình chế biến thực phẩm an toàn, những trường học trên đã dần đưa thịt lợn trở lại thực đơn bữa ăn của học sinh.

Ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Lê Danh Phương (Hưng Hà).

Video: 1005_nhieu_truong_hoc_dua_thit_lon_tro_lai_bua_an_ban_tru.mp4

Trong bữa ăn trưa ngày 7/5 tại Trường Mầm non Lê Danh Phương (thị trấn Hưng Hà), thịt lợn vẫn là món chính. Cô giáo Trần Thị Liễu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước đó, khi có thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện và lây lan nhanh, cùng với đó là việc nhiều phụ huynh yêu cầu nhà trường không sử dụng thịt lợn để chế biến món ăn cho trẻ, nhà trường đã tạm dừng việc đưa thịt lợn vào bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, sau 3 tuần tích cực tuyên truyền, kêu gọi cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh không quay lưng với thịt lợn, nhà trường đã đưa thực phẩm này trở lại bữa ăn bán trú. Cô giáo Trần Thị Liễu cho biết thêm: Từ đầu năm học, nhà trường đã ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp thực phẩm sạch, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Thời gian này, nhà trường còn yêu cầu đơn vị cung cấp phải nhập lợn ở những nơi được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện để phụ huynh học sinh kiểm tra nguồn thực phẩm tươi sống, giám sát quy trình nấu nướng hoặc tham gia trực tiếp vào việc chuẩn bị bữa ăn cho con em mình. Vì thế, phụ huynh cũng bớt lo lắng hơn về thực phẩm bẩn và vấn đề mất an toàn vệ sinh trong bữa ăn bán trú.

Khác với Trường Mầm non Lê Danh Phương, từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đến nay, Trường Tiểu học Lê Danh Phương và Trường THCS Lê Danh Phương không loại thịt lợn ra khỏi bữa ăn bán trú. Cô giáo Trần Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Danh Phương chia sẻ: Hai trường được huyện đầu tư một bếp ăn tập thể chung phục vụ bữa ăn bán trú cho 250 học sinh. Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, hai trường quyết định giảm số bữa ăn sử dụng thịt lợn. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, số lượng bữa ăn có thịt lợn đã trở lại như khi chưa có dịch. Ông Nguyễn Văn Nhượng, chủ cơ sở giết mổ Xuân Nhượng chia sẻ: Cơ sở chúng tôi không chỉ cung cấp thịt lợn cho Trường Tiểu học, Trường THCS Lê Danh Phương mà còn cung cấp cho rất nhiều bếp ăn tập thể trong và ngoài huyện, vì vậy việc bảo đảm chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thịt lợn được chúng tôi nhập từ những trang trại có kiểm định của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện bảo đảm an toàn, chất lượng.

Trước diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi và những thông tin gây hoang mang trên mạng internet, ngành Giáo dục Hưng Hà đã ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra nguồn thực phẩm cung cấp cho các bữa ăn bán trú. Bà Hoàng Thị Tâm, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Phòng đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên toàn ngành và người dân hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác. Nhờ thế, nhiều trường học trên địa bàn huyện cũng khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn bán trú cho học sinh, trên cơ sở thịt có nguồn gốc, có kiểm dịch rõ ràng. Đặc biệt, nhiều trường mầm non còn tăng cường trồng trọt để chủ động nguồn rau sạch cho bữa ăn của trẻ.

Hiện nay, không chỉ các trường học trên địa bàn huyện Hưng Hà mà nhiều trường học trong tỉnh đang dần đưa thịt lợn an toàn trở lại bữa ăn bán trú của trẻ. Đây là việc làm cần thiết bởi việc sử dụng thịt lợn vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho học sinh vừa góp phần vào sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Đặng Anh