Thứ 5, 09/05/2024, 20:39[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng Đảng cầm quyền

Thứ 6, 03/01/2020 | 08:34:56
3,708 lượt xem

Đại biểu dự hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Tâm

Tư tưởng về Đảng cộng sản và xây dựng Đảng, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền là một phần rất quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức. Bắt nguồn từ học thuyết của Mác về Đảng cộng sản và trực tiếp từ học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã được Lênin đưa ra từ những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu có chọn lọc và phát triển lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng cộng sản, đồng thời chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điểm của Người về Đảng cộng sản và xây dựng Đảng, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền là một phần rất quan trọng, vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu, để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.


Thể hiện tư tưởng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Cách mạng muốn thắng lợi thì phải có một đảng lãnh đạo, đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ mục đích gì mà đấu tranh, chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng...”. Vì theo Người: Cách mạng là sự nghiệp của “cả dân chúng chứ không phải của một hai người”, nhưng sức mạnh của dân chúng chỉ trở thành vô địch và “không một quân lính, súng ống nào thắng nổi” khi được giác ngộ, được tổ chức, được lãnh đạo.
Đảng cách mạng là đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Trong Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu bằng một câu theo ý của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... chỉ có lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Người đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” và Người cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ rằng: lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt” không có nghĩa là giáo điều theo từng câu từng chữ của Mác, của Lênin, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, là nắm vững tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, tham khảo kinh nghiệm các nước, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để đưa ra đường lối, chính sách đúng đắn cho cách mạng. Với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một chuẩn mực cho mọi người cách mạng về sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết thành công vấn đề cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng thế giới đặt ra.
Cùng với việc làm sáng tỏ vị trí, vai trò quyết định của Đảng cộng sản với cách mạng Việt Nam và bản chất giai cấp công nhân của Đảng, để xây dựng được Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng, Người cũng chỉ rõ những nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là:


- Nguyên tắc tập trung dân chủ: đây là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa phát huy sức mạnh của tất cả ai đã tự nguyện gắn bó với nhau trong một tổ chức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung là hai mặt có mối quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc. Dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung, chứ không phải dân chủ theo kiểu phân tán, vô tổ chức. Tập trung phải trên cơ sở dân chủ, chứ không phải tập trung quan liêu, theo kiểu độc đoán chuyên quyền. Còn về dân chủ, Người phân tích, đó là cái quý báu nhất của nhân dân, là thành quả của cách mạng. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do theo Người, đó là đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là nghĩa vụ của mọi người.

Bên cạch đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh phải chú ý thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, Người không đối lập hai mặt đó của một nguyên tắc và chỉ rõ: Tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung.


- Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người đã phân tích rất rõ về nguyên tắc này: một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thấy hết mọi mặt của vấn đề, càng không thể thấy hết mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện. Vì vậy, cần phải có nhiều người cùng tham gia lãnh đạo. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó họ hiểu được mọi mặt, mọi vấn đề. Cá nhân phụ trách việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần giao cho một người phụ trách, như thế công việc mới chạy, mới tránh được thói dựa dẫm, ỷ vào người khác, ỷ vào tập thể, không xác định rõ cá nhân phụ trách thì giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Theo Người, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau, liên hệ với vấn đề dân chủ tập trung; lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan; phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn vô chính phủ. Kết quả là hỏng việc.


- Nguyên tắc tự phê bình và phê bình: đây là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển Đảng, vì Người cho rằng mỗi đảng viên trước hết phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, cũng giống như phải tự soi gương rửa mặt hàng ngày.
Người nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Người xem tự phê bình và phê bình là vũ khí để rèn luyện đảng viên nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn và tăng cường đoàn kết nội bộ hơn. Người đã thẳng thắn vạch rõ: “Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Tự phê bình và phê bình không những là vấn đề của khoa học cách mạng, mà còn là nghệ thuật cách mạng, vì vậy, Người lưu ý cán bộ, đảng viên và các cấp bộ Đảng trừ trên xuống dưới không những phải “luôn luôn dùng” mà còn “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Muốn thực hiện tốt nguyên tắc này đòi hỏi mỗi người phải trung thực, chân thành với bản thân mình cũng như với người khác, “phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Người cũng phê phán những thái độ lệch lạc trong tự phê bình và phê bình, như: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang né tránh, dĩ hòa vi quý, hoặc ngược lại lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác...


- Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác: sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác ý thức tổ chức nghiêm minh của cán bộ, đảng viên. Từ việc phải tuân thủ kỷ luật của Đảng, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của các đoàn thể và pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không được ai cho phép mình coi thường, thậm chí đứng trên tất cả. Ý thức kỷ luật đó là ý thức của giai cấp công nhân, ý thức của Đảng của giai cấp công nhân. Việc đề cao ý thức kỷ luật đó đối với mọi cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới chỉ làm tăng thêm uy tín của Đảng; ngược lại, nếu ý thức kỷ luật đó thấp, nếu cán bộ, đảng viên càng nhiều vi phạm kỷ cương phép nước, tự cho mình là người lãnh đạo, coi thường kỷ luật thì uy tín của Đảng ngày càng thấp, đưa đến những nguy cơ cho Đảng.


- Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người thường nêu những yêu cầu, như: phải thực hành và mở rộng dân chủ trong nội bộ để mọi cán bộ, đảng viên có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những vấn đề hệ trọng của Đảng; phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân với bao nhiêu thứ tệ nạn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra, như: tham ô, lãng phí, quan liêu, bè cánh, cơ hội, dối trá, chạy theo chức, quyền, danh, lợi...
Tư tưởng và những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng Đảng cầm quyền là đường hướng, phương châm khoa học, cách mạng để Đảng và nhân dân ta xây dựng Đảng của mình trở thành Đảng cách mạng chân chính, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi tới thành công. Trong xu thế mới của đất nước và thời đại đặt ra cho của Đảng ta những nhiệm vụ mới. Đó là lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải vận dụng sáng tạo và giữ vững những nguyên tắc trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 1/2020)