Thứ 4, 03/07/2024, 10:23[GMT+7]

Nông nghiệp vượt khó

Thứ 4, 22/01/2020 | 18:39:57
1,182 lượt xem
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của toàn ngành và của bà con nông dân nên nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2019 của tỉnh vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Mô hình trồng cà chua trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân.

Năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 26.795,9 tỷ đồng, giảm 0,71% so với năm 2018. Đây là điều tất yếu bởi ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp chịu thiệt hại lớn bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn 281 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống, dập dịch và khắc phục thiệt hại. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã giảm mạnh tại các địa phương, người chăn nuôi đang từng bước tái đàn. Ước tính tổng đàn lợn đạt 750.000 con; đàn trâu, bò đạt trên 50.000 con; đàn gia cầm đạt 14,5 triệu con. Trong bối cảnh khó khăn, toàn ngành đã tập trung đẩy nhanh hơn ở những lĩnh vực, những khu vực đang có dư địa. Theo đánh giá, trồng trọt, thủy sản là hai lĩnh vực “cứu cánh” cho tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng năm 2019 đạt 221.880ha, mặc dù diện tích giảm 2.130ha so với cùng kỳ năm 2018 nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng. Diện tích lúa cả năm đạt 155.219ha, cơ cấu giống lúa và phương thức gieo cấy tiếp tục chuyển dịch tích cực. Năng suất lúa cả năm ước đạt 131,03 tạ/ha, tăng 0,54 tạ/ha so với năm 2018. Chương trình xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục phát triển, liên kết sản xuất và tiêu thụ được mở rộng, năm 2019, toàn tỉnh có 125 xã triển khai được 234 cánh đồng lớn với tổng diện tích 14.286,5ha. Công tác tích tụ, tập trung đất đai để chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được chỉ đạo tích cực, mang lại hiệu quả gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất nhỏ lẻ.

Lĩnh vực thủy sản cũng là một điểm nhấn quan trọng của ngành Nông nghiệp thời gian qua với sự tăng trưởng cả về nuôi trồng và khai thác. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 15.000ha, sản lượng cả năm đạt 244.000 tấn, tăng 6,85% so với cùng kỳ. Nuôi cá lồng được đầu tư mở rộng và phát triển với 602 lồng nuôi trên diện tích gần 66.978m3 với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao; khai thác thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường khai thác xa bờ. Toàn tỉnh hiện có 1.145 tàu cá các loại, trong đó số tàu có công suất trên 300CV là 167 tàu; các tàu cá hoạt động bảo đảm đúng quy định, an toàn cho người và phương tiện.

Năm 2019 Thái Bình được mùa ở hai vụ lúa. 

Công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung thực hiện theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp hoàn thành NTM cấp xã; chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu gắn với xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đến nay, 263/263 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 huyện được công nhận NTM cấp huyện. Dự kiến hết năm 2019 sẽ có 7 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện.

Năm 2020 được cảnh báo thời tiết vẫn diễn biến cực đoan, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao trong chăn nuôi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% so với năm 2019 đòi hỏi toàn ngành cần nỗ lực, chủ động tham mưu, tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, vừa có những ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế các thiệt hại. Giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM nhằm tạo đột phát trong phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế theo đề án cơ cấu lại ngành đã được phê duyệt. Thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm phát triển sản xuất trồng trọt theo chiều sâu, có quy mô lớn để tăng giá trị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để phát triển cây màu, cây vụ đông; giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu có giá trị cao. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo các đề án được phê duyệt; trước mắt thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất đã ban hành, bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ đông, vụ xuân năm 2020.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn VietGAHP, liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu. Tổ chức triển khai có hiệu quả đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bảo đảm bền vững.

Với lĩnh vực thủy sản, phát triển nuôi trồng theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung. Duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Với sự chủ động tích cực của ngành Nông nghiệp và nỗ lực của người dân, nền nông nghiệp của tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu đã đề ra.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày