Thứ 2, 06/05/2024, 00:08[GMT+7]

Họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh Thái Bình

Thứ 6, 14/02/2020 | 15:19:23
2,742 lượt xem
Sáng ngày 14/2, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh đã thông qua Quyết định số 3611/QĐ-UBND ban hành ngày 2/12/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh Thái Bình. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. 

Theo đó, toàn ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn bản của các cấp về chương trình, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng môn học, cấp học để đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ bảo đảm về số lượng, phù hợp về cơ cấu. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; đồng thời xây dựng tài liệu nội dung giáo dục địa phương và triển khai thực hiện chương trình theo đúng lộ trình.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Năm học 2020 - 2021 sẽ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 đầu tiên ở lớp 1. Ngày 20/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 180 về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Anh sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông gồm 6 bộ sách môn Tiếng Anh. Trước đó, ngày 21/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4507 về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông gồm 32 bộ sách giáo khoa của 8 môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm. 

Tại cuộc họp, dựa vào Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/1/2020 về việc hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, các đại biểu đã thảo luận, phân tích tình hình, đặc điểm của địa phương và đề xuất một số tiêu chí trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND yêu cầu ngành Giáo dục chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đồng chí cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh để phân công nhiệm vụ cụ thể. 

Khi lựa chọn sách giáo khoa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, tạo sự tin tưởng trong phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Để làm tốt việc này, 286 trường tiểu học và trường có cấp tiểu học phải thành lập 8 tổ chuyên môn/trường để lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên về từng môn học, tổng hợp ý kiến về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 25/2; Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thành lập tổ tư vấn gồm các chuyên gia để đánh giá và hoàn thành các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trước ngày 15/3, ban hành tiêu chí sau 1 tuần. Sau đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa ở các cơ sở giáo dục. Sau khi lựa chọn được sách giáo khoa, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên trước tháng 8/2020. 

Trong thời gian này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường giám sát, kiểm tra, hướng dẫn công tác lựa chọn sách giáo khoa của các nhà trường. Đối với các huyện, thành phố, phòng giáo dục và đào tạo cần giám sát, kiểm tra, hướng dẫn công tác lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở trực thuộc, hoàn thành trước ngày 30/4.

Đặng Anh