Thứ 6, 03/05/2024, 03:43[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Tiếp theo và hết)

Thứ 2, 02/03/2020 | 08:37:26
1,897 lượt xem
Bước sang thế kỷ XXI, trong điều kiện thuận lợi ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân Thái Bình có điều kiện tập trung phát triển kinh tế. 20 năm qua, Thái Bình đã tạo nên những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo từ nông thôn đến thành thị đổi thay từng ngày, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Kỳ 7: 20 năm đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Phát triển toàn diện nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 của Đảng xác định: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên cơ sở đường lối, quan điểm, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và tình hình thực tiễn, tỉnh Thái Bình đã đặt ra phương hướng, mục tiêu những năm đầu thế kỷ XXI: Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác đầu tư, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững... Phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, coi trọng và phát huy nhân tố con người, chăm lo giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội và giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. 5 trọng tâm cụ thể nhằm tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế đã được các cấp, các ngành bám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện. Sản xuất nông nghiệp được chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng “cánh đồng 50 triệu đồng” được triển khai ở nhiều địa phương. Đến cuối năm 2005, đã có 251 xã, phường, thị trấn xây dựng được 1.138 cánh đồng đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng trở lên/ha/năm. Kinh tế biển được ưu tiên phát triển. Nghề và làng nghề được chú trọng đầu tư chiều sâu với 100% xã có nghề. Đã có 5 khu, 8 cụm công nghiệp được quy hoạch và xây dựng. Nhờ thế, giai đoạn 2001 - 2005, tổng sản phẩm tăng bình quân hàng năm 7,21%; năm 2005, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 6.455 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo... có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ thất nghiệp giảm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 còn 5,3% (giảm gần 4% so với năm 2000).

Giai đoạn 2006 - 2010, với mục tiêu tổng quát: đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp... phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, sớm đưa Thái Bình thoát khỏi tỉnh nghèo và chậm phát triển, Thái Bình đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; vừa phát triển công nghiệp tập trung, vừa đẩy mạnh phát triển làng nghề. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đem đến sự phát triển ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 12,02%. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm, y tế phát triển, giáo dục luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước.

Tạo đột phá chiến lược để tăng trưởng kinh tế

Giai đoạn 2011 - 2020, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là giai đoạn diễn ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau gần 10 năm, với sự huy động tổng lực từ nhân dân, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến năm 2019, toàn tỉnh có 263/263 xã; 7/7 huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn Thái Bình “thay da đổi thịt”. Đây cũng là giai đoạn đột phá của tỉnh trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ một tỉnh thuần nông, cơ bản trắng về công nghiệp tập trung, Thái Bình đã thành lập 7 khu công nghiệp; đặc biệt là hình thành Khu kinh tế Thái Bình với quy mô 30.583ha, quy hoạch dự án khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp gần 200ha. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế vùng của quốc gia được hình thành. Tuyến đường bộ ven biển kết nối khu vực ven biển của tỉnh Thái Bình với các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ được khởi công vào đầu năm 2019 không chỉ có ý nghĩa to lớn với tỉnh Thái Bình mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nhờ những giải pháp đột phá toàn diện trên các lĩnh vực, năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 56.000 tỷ đồng (tăng gấp gần 12 lần so với năm 2000). Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Đời sống nhân dân ngày càng no ấm, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm, y tế phát triển, giáo dục luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. 

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; khối đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Đây cũng chính là giai đoạn ổn định và phát triển toàn diện, mạnh mẽ nhất về kinh tế, chính trị, xã hội, Thái Bình cùng cả nước sẵn sàng bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu.

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn Thái Bình đã đổi thay với diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với cùng loại sản phẩm; nhiều giống cây, con mới có năng suất, chất lượng sản phẩm cao được nghiên cứu, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Thái Bình đang hoàn thiện để được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong tháng 3/2020.

Ông Lê Tiến Ninh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Những năm qua, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở tất cả các lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, chăn nuôi, công nghiệp dịch vụ, y tế, bảo vệ môi trường đều đạt nhiều kết quả. Trong nông nghiệp, thủy sản, hàng trăm giống lúa, ngô, khoai tây, cá... mới đã được khảo nghiệm, du nhập, đưa vào sản xuất. Trong công nghiệp, các doanh nghiệp, đơn vị tích cực nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra những sản phẩm có giá trị. Khoa học và công nghệ cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh...  góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Cùng với tăng trưởng kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm. Đời sống vật chất và tinh thần  của các gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi ngày một nâng lên. Các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm mới, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người nghèo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua từng năm. Điều đó góp phần ổn định vững chắc xã hội, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh.


(tiếp theo và hết)

Nhóm phóng viên