Thứ 2, 12/08/2024, 08:23[GMT+7]

Khoa học công nghệ - “Đòn bẩy” phát triển kinh tế

Thứ 4, 18/12/2013 | 14:47:29
1,108 lượt xem
Phát huy lợi thế và tiềm lực sẵn có cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) Thái Bình được triển khai đúng hướng, đó là phát triển nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gian trưng bày sản phẩm áp dụng công nghệ của Sở KHCN Thái Bình tại buổi trình diễn và kết nối cung - cầu, công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng năm 2013 tại Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Ông Vũ Mạnh Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Với quan điểm coi hợp tác KH - CN là một trong những nhiệm vụ trọng điểm, ngành KH - CN Thái Bình chú trọng đẩy mạnh phối hợp hoạt động KH - CN với các sở, ban, ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, với việc tổ chức thành công sự kiện “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2013”, Thái Bình đã thu hút 236 tổ chức trong nước và quốc tế với trên 500 đại biểu tham gia. Đã có 5 đơn vị ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, đưa nhanh kết quả nghiên cứu KH và CN vào ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm KH và CN, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hoạt động KH - CN Thái Bình còn đổi mới với việc liên kết chặt chẽ “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà  nông, qua đó bước đầu người nông dân đã thay đổi tư duy về sản xuất hàng hóa nông nghiệp, từng bước xóa bỏ canh tác manh mún, làm theo phong trào, cùng hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.

Không chỉ đẩy mạnh hợp tác hoạt động KH - CN, trong năm qua  ngành KH - CN Thái Bình đã tiến hành du nhập, khảo nghiệm trên 150 giống lúa, 50 giống ngô mới, đã xác định được một số giống có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh (giống lúa gồm TBR225, TR117, TBR27, DT39…; giống ngô gồm AG500, HN90, SSC7830, Sugar 75...; tuyển chọn được 2 giống lúa chịu mặn (DT68, Hương ưu 98) đạt năng suất 60 - 70 tạ/ha, thích hợp cho vùng đất nhiễm mặn trong tỉnh). Ngoài ra còn khảo nghiệm 6 giống cà chua chịu nhiệt với diện tích 0,3 ha, bước đầu xác định được một số giống triển vọng có khả năng chịu nhiệt, năng suất, chất lượng, tình hình sâu bệnh, khả năng kháng bệnh héo xanh và chịu ngập úng.

Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Đồng thời xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn như: mô hình sản xuất khép kín từ giống đến gạo thương phẩm giống lúa ĐS1 chất lượng cao, quy mô 50 ha, đạt giá trị sản phẩm cao hơn từ  20 - 25 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa thông thường, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; mô hình sản xuất nấm mỡ chịu nhiệt, nấm rơm chính vụ và trái vụ; mô hình nhân giống cây hòe, chiết tách rutin đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu.

Tiếp tục đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển tài sản trí tuệ như: hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến thành công công nghệ dập cắt kim loại từ phôi cuộn bằng phương pháp dập cắt trong sản xuất bình gas LPG,  năng suất tăng từ 200.000 sản phẩm/năm (chưa cải tiến) lên 600.000 sản phẩm/năm (sau khi cải tiến), bảo đảm an toàn cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; nghiên cứu cải tiến thành công công nghệ máy dập thổi thủy tinh trong dây chuyền sản xuất thủy tinh dân dụng đạt công suất 10 tấn thủy tinh sản phẩm/năm, giúp chủ động trong sản xuất, tiết kiệm được chi phí thuê chuyên gia nước ngoài sang sửa chữa và nhập khẩu các chi tiết thay thế.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Hiền, để KH - CN thực sự là “đòn bẩy”, động lực cho phát triển kinh tế thì các cấp ủy đảng, chính quyền cần có nhận thức, quan niệm đúng đắn hơn về vai trò nền tảng và động lực của KH - CN trong phát triển kinh tế. Song song với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, phải xây dựng kế hoạch phát triển KH - CN và coi đó là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị mình, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có kế hoạch đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. KH - CN phải trực tiếp góp phần vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cần tập trung ứng dụng các tiến bộ KH - CN để khảo nghiệm, tuyển chọn và sản xuất nhanh các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KH - CN, triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa