Thứ 3, 07/05/2024, 20:25[GMT+7]

Những tài năng nhí của nghệ thuật chèo

Thứ 2, 07/06/2021 | 08:11:59
4,000 lượt xem
Cuối tháng 4/2021, cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 3 khép lại với dấu ấn đẹp trong lòng khán giả về niềm đam mê nghệ thuật hát chèo của nhiều em nhỏ. Trong đó, một số em đã được các giám khảo cuộc thi nhận định là tài năng hiếm có, “viên ngọc quý” của làng chèo, là thế hệ tiếp nối, bảo tồn nghệ thuật hát chèo của “Quê hương năm tấn”.

Cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình thu hút nhiều em nhỏ có niềm đam mê nghệ thuật chèo.

Gia đình - điểm tựa phát triển âm nhạc

Sau phần thể hiện trích đoạn chèo cổ “Súy Vân giả dại”, bước xuống sân khấu, thí sinh Đinh Thị Tuyết Mai, học sinh Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) khóc nức nở bởi màn nhập vai xuất thần trong hình ảnh một Súy Vân điên dại, khao khát tình yêu, tự do, hạnh phúc nhưng bị bó buộc trong một cuộc hôn nhân bế tắc. Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ cùng có niềm đam mê nghệ thuật chèo, Tuyết Mai đã quen với việc ngân nga những làn điệu mượt mà, đằm thắm từ khi lên 5 tuổi. Nhưng phải tới khi tham gia cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ em mới có nhiều cơ hội để hiểu hơn về những trích đoạn chèo cổ. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ của Tuyết Mai chia sẻ: Trong quá trình tập luyện để chuẩn bị cho các vòng thi, con có nói với bố mẹ là con chưa khi nào nghĩ rằng trong bộ môn này lại có những trích đoạn hay đến mức mà khi con đã hiểu được ý nghĩa từng câu nói của nhân vật con lại xúc động đến như vậy. Con thương nhân vật Súy Vân cũng là thương thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến không thể tự quyết định hạnh phúc của bản thân mình. Trong 2 tuần chuẩn bị cho đêm chung kết của cuộc thi là khoảng thời gian cả bố và mẹ nỗ lực cùng con tập luyện trích đoạn này để có phần thể hiện tốt nhất trên sân khấu. Con cũng tự mày mò qua các video của trích đoạn được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều hơn để tích lũy cho mình kinh nghiệm biểu diễn.

Còn đối với thí sinh Huỳnh Lê Gia Phúc, học sinh Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình), niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo của em được “tiếp lửa” từ bà ngoại. Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng thường cùng bà nghe và xem chèo nên thay vì đam mê những bộ phim hoạt hình, những người máy, siêu nhân như bạn bè cùng trang lứa, Gia Phúc lại tìm kiếm trên mạng xã hội video những tiết mục hề trong những vở chèo cổ. Nhận thấy niềm yêu thích của cháu, bà Nguyễn Thị Hà, bà của Gia Phúc quyết định thuyết phục các con cho cháu thử sức với loại hình nghệ thuật này. Những ngày đầu đến với cuộc thi của Gia Phúc thật gian nan. 

Bà Hà chia sẻ: Đăng ký dự thi xong tôi mới quyết định tìm thầy để dạy chèo cho cháu bởi từ trước tới nay cháu chưa hề biết hát, diễn hay múa một cách bài bản. Thời điểm ấy đúng vào mùa đông, lạnh buốt và rét mướt nhưng cứ nghĩ tới việc gia đình mình sẽ góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống tôi lại có thêm động lực để khích lệ cháu nỗ lực cố gắng. Ngày nào cũng đều đặn sau giờ học ở trường, bà Hà cùng cháu đến nhà thầy học cho tới tối muộn mới về. Những lúc rảnh rỗi, hai bà cháu lại cùng ôn bài. Không có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật này, bà Hà cố gắng bám sát những bài học của thầy rồi tìm hiểu thêm qua những video trên internet để có thể hỗ trợ cháu tốt nhất. Bền bỉ cộng với tài năng và niềm đam mê sẵn có, thành quả ngọt ngào là Gia Phúc xuất sắc đạt giải nhì cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ.

“Tiếp lửa” cho những niềm đam mê

Sinh ra, lớn lên từ nôi chèo làng Khuốc, thí sinh Quách Hà Linh, học sinh Trường Tiểu học Phong Châu (Đông Hưng) có niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo từ ngày thơ bé. Tuy nhiên, bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà nội nên Hà Linh không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như những thí sinh khác. Đến với cuộc thi bằng sự mộc mạc, đôi khi mang chút rụt rè, Hà Linh chinh phục ban giám khảo và khán giả bởi tố chất nghệ thuật. Từ vòng bán kết, em may mắn nhận được sự hậu thuẫn của một số thầy cô trong việc rèn luyện cách hát, phong cách biểu diễn, giải phóng hình thể sao cho có được sự tự tin, thoải mái nhất khi đứng trên sân khấu. Nỗ lực cố gắng, trong đêm chung kết, với tiết mục “Thảm trần tình” trích trong vở chèo cổ “Trương Viên”, em mang đến cho khán giả niềm xúc động, xót xa khi diễn tả thành công người con dâu bằng lòng đánh đổi đôi mắt của mình để cứu mẹ chồng.  

Chia sẻ sau đêm chung kết cuộc thi, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: Nhà hát Chèo Việt Nam đã tặng bằng khen cho ba thí sinh có phần biểu diễn xuất sắc là Tuyết Mai, Gia Phúc và Hà Linh. Hơn 40 năm theo nghiệp chèo, tôi rất xúc động khi về với quê hương Thái Bình, được tận mắt chứng kiến những mầm non tương lai diễn chèo, có em mới 8 tuổi nhưng đã làm chủ cả sân khấu, hát và diễn đúng bản sắc của chiếng chèo Nam Hạ. NSND Thanh Ngoan thêm tự hào về quê hương mình với việc truyền dạy nghệ thuật truyền thống bởi trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của những loại hình nghệ thuật mới bà càng cảm thấy lo lắng sẽ có ít người trẻ hiểu chèo, yêu chèo, gìn giữ chèo. Mong rằng, bước ra từ cuộc thi, các em nhỏ sẽ có thêm sự tự tin trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tú Anh