Chủ nhật, 19/05/2024, 01:01[GMT+7]

Thái Nguyên: Có 50 thôn đặc biệt khó khăn

Thứ 6, 02/07/2021 | 09:42:51
644 lượt xem
Theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký ban hành phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên có 50 thôn.

Hàng năm, Thái Nguyên đã dành hàng tỷ đồng cho bê tông hóa hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã nhất là các vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo danh sách được phê duyệt, cả nước có 2.027 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng tỉnh Thái Nguyên có tổng cộng 50 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 22 xã của 5 huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương và huyện Phú Bình. Trong đó huyện có nhiều thôn đặc biệt khó khăn nhất là huyện Định Hóa với 21 thôn thuộc 10 xã, tiếp đó là các huyện Võ Nhai có 16 thôn thuộc 5 xã; huyện Phú Bình có 6 thôn thuộc 3 xã; huyện Phú lương có 4 thôn thuộc 2 xã và cuối cùng là huyện Đồng Hỷ có 3 thôn thuộc 2 xã. Để giúp các thôn này thoát khỏi khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội ổn định, các thôn này cũng sẽ được hưởng các chính sách an sinh xã hội đặc thù theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Cũng theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên có 110 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó: 15 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 83 xã khu vực I.

Để giúp các thôn, xã vùng đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên đầu tư nguồn vốn hơn 6.000 tỷ đồng từ các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh, đầu tư cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chủ yếu tập trung cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm từ hơn 19% năm 2016 xuống còn gần 5% vào năm 2020; tất cả các thôn, bản đều có điện lưới quốc gia, xóa toàn bộ các phòng học tạm, cứng hóa đường giao thông đến hầu hết các thôn, bản, nhờ đó nhiều thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt đến nay đã có 74 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo baoxaydung.com.vn