Thứ 4, 24/07/2024, 06:10[GMT+7]

Vườn xinh giữa phố

Thứ 2, 08/11/2021 | 09:06:12
4,646 lượt xem
Cùng chung tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê trồng trọt, vợ chồng anh Lê Ngọc Hiền và chị Nguyễn Thị Lĩnh, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) đã biến khoảng sân thượng nhỏ của gia đình thành một vườn rau xanh mát, như một hình thức giải trí và tăng thêm dinh dưỡng cho bữa ăn. Điều đặc biệt, đây là vườn rau được trồng hoàn toàn bằng phương pháp thủy canh và sử dụng phân bón hữu cơ do anh chị tự học hỏi, nghiên cứu, chế tạo như một hướng đi mới để sống xanh và thân thiện với môi trường.

Vợ chồng anh Lê Ngọc Hiền và chị Nguyễn Thị Lĩnh bên vườn rau thủy canh của gia đình.

Qua quá trình tiếp cận thông tin, thấy tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, anh Lê Ngọc Hiền luôn ấp ủ mơ ước về một vườn rau riêng của gia đình để bảo đảm vệ sinh và có thêm nguồn thực phẩm sạch phục vụ sinh hoạt. Anh đã nhiều lần thử nghiệm bằng cách xách từng xô đất lên tầng 4, tận dụng thùng xốp bỏ đi trồng rau trong đó nhưng cách trồng phổ biến này luôn đối mặt với nhiều bất cập như làm nặng mái nhà, mất công tưới nước nhiều, rau sinh trưởng, phát triển kém... Khi gia đình có thêm thành viên mới cùng sự giãn cách xã hội do tác động của dịch bệnh càng thôi thúc anh nghiên cứu, tìm những ứng dụng tích cực cho đam mê của mình. Tận dụng khoảng thời gian nghỉ sinh, chị Nguyễn Thị Lĩnh thông qua mạng xã hội đã giúp chồng tìm tài liệu, kết nối và học hỏi từ những người có chung sở thích về nông nghiệp. Làm vườn theo phương pháp thủy canh sử dụng phân bón hữu cơ được đôi vợ chồng trẻ lựa chọn, ứng dụng cho khu vườn của gia đình. Đây là phương pháp canh tác rất phổ biến tại các nước phát triển, được một số tỉnh phía Nam ứng dụng theo quy mô trang trại song còn xa lạ tại địa phương. Thủy canh là phương pháp trồng cây tiên tiến, sở hữu rất nhiều ưu điểm so với các mô hình canh tác truyền thống như tận dụng diện tích, tối ưu không gian so với những hình thức trồng thổ canh trước đây, hệ thống tưới tự động hoàn lưu sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp tiết kiệm nước, phân bón, sức lao động, thời gian, mô hình canh tác không có cỏ dại, kiểm soát được sâu bệnh, tăng năng suất gấp 2 lần, bảo đảm chất lượng nông sản...

Vốn là sĩ quan quân đội tại trường đào tạo nghề đã quen với việc tăng gia sản xuất tại đơn vị, được sự động viên, giúp sức của vợ, anh Hiền đã lên ý tưởng, đo đạc, thiết kế khu vườn. Sau 1 tuần tự chế tạo, lắp ráp, vườn thủy canh của anh chị đã hoàn thiện với các giàn trồng được làm bằng ống PVC cách nhiệt cùng hệ thống tưới nước liên hoàn tự động hẹn giờ. Nước từ thùng chứa sẽ được tự động bơm trực tiếp lên trên cao rồi chảy ngược trở lại thùng, tạo thành một vòng khép kín theo thời gian hẹn trước, thiết kế hồi lưu này giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức mà vẫn bảo đảm nguồn nước dồi dào cho cây, không còn nỗi lo thiếu nước hoặc úng ngập như trước. 

Là cô giáo dạy văn tại Trường THPT Chuyên Thái Bình nhưng ngoài khoảng thời gian dành cho công việc và gia đình, niềm đam mê nghiên cứu về những mô hình nông nghiệp xanh luôn thôi thúc chị Lĩnh. Thông qua mạng xã hội, sau khi gia nhập cộng đồng liên minh nông nghiệp tử tế, chị đã có thêm nhiều kiến thức từ những người chung chí hướng. “Trước đây, gia đình tôi trồng rau dùng phân bón hóa học, sau khi nhận ra những tác động tiêu cực, chúng tôi đã tự học cách ủ phân bón hữu cơ, trực tiếp tạo nguồn rau sạch cho gia đình và lan tỏa những giá trị tích cực của việc canh tác nông nghiệp xanh đến cộng đồng” - chị Lĩnh chia sẻ.

Từ việc học trên internet, anh Hiền và chị Lĩnh đã tự chế tạo được chế phẩm IMO vi sinh vật bản địa, được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương như cám gạo, đường nâu, rác hữu cơ từ bếp, đạm cá, đậu nành, chuối... ngâm ủ thành phân hữu cơ để tưới cho rau trong vườn. 

Anh Hiền cho biết: Phương pháp làm chế phẩm IMO tương đối dễ thực hiện, chỉ gần 1 tháng là có thể sử dụng, rất an toàn với cây trồng, người sử dụng và vật nuôi. Chế phẩm sinh học IMO chứa các vi sinh vật có lợi, kích thích hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng của cây trồng, bổ sung vitamin, giúp kích rễ, mầm chồi phát triển, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, kích thích tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, IMO giúp cải tạo đất và phân giải các chất hữu cơ khó tiêu thành dinh dưỡng dễ tiêu, phục hồi đất hư tổn, giúp người trồng trọt ứng dụng công nghệ sạch, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững bảo vệ môi trường trong tương lai. 

Thành công bước đầu của việc tự làm chế phẩm sinh học IMO đã tạo động lực cho vợ chồng anh Lê Ngọc Hiền và chị Nguyễn Thị Lĩnh tiếp tục tìm tòi, tự sản xuất thêm một số sản phẩm phân bón hữu cơ để hỗ trợ cộng đồng.

Những bộn bề cuộc sống như gác lại trước khoảng không gian 6m2 trên sân thượng, được thả hồn thư thái ngắm nhìn màu mướt xanh của mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, rau diếp, đỗ leo, dưa chuột... được thu hoạch những trái ngọt, rau xanh do chính tay mình chăm sóc phục vụ bữa cơm gia đình, đó như những trải nghiệm của đam mê, gói thành niềm vui nho nhỏ, khó diễn tả thành lời. Với đôi vợ chồng trẻ, vườn rau được xem như đứa con tinh thần giúp gia đình có thêm những nguồn năng lượng tích cực, vừa giúp cải thiện về nguồn thực phẩm sạch vừa giúp giải tỏa tinh thần, mang đến niềm vui cho cả gia đình qua những ngày dịch bệnh căng thẳng. Thú vui sống xanh và lành được anh chị gửi gắm trong ước mơ có một mảnh vườn nhỏ để thỏa mãn thú vui trồng trọt và lan tỏa thêm niềm đam mê tới cộng đồng.

Trịnh Cường - Tiến Đạt