Thứ 5, 02/05/2024, 11:41[GMT+7]

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Thứ 3, 23/04/2019 | 08:50:37
6,825 lượt xem
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đặc biệt quan tâm, thông qua đó giúp hàng nghìn người khuyết tật có việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ may mặc người khuyết tật xã Vũ Lễ (Kiến Xương) do anh Phạm Văn Đáp làm chủ hoạt động theo mô hình xen kép tại cộng đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Thái Bình hiện có trên 10 vạn người khuyết tật (NKT). Để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT được duy trì và phát triển, tỉnh phát triển 2 mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là dạy nghề tập trung và dạy nghề xen kép tại cộng đồng. Mô hình dạy nghề tập trung được triển khai tại trung tâm dạy nghề cho NKT trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh. Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ: dạy văn hóa, văn hóa chuyên biệt đến bậc THCS cho NKT; đào tạo hệ trung cấp, sơ cấp nghề, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho NKT; tổ chức nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dạy chữ, dạy nghề cho NKT.

Những năm qua, Trung tâm đã trực tiếp dạy nghề và liên kết với các cơ sở ở cộng đồng dạy nghề cho hàng nghìn NKT. Hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là hội viên của Hội, trong đó có 16 cơ sở được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho NKT. Nếu như mô hình dạy nghề tập trung giúp NKT học nghề được chuyên sâu thì mô hình dạy nghề xen kép tại cộng đồng cũng có nhiều điểm thuận lợi như: không đòi hỏi trình độ học vấn cao; tận dụng nguồn giáo viên tại chỗ là những NKT đã qua đào tạo. Với sự đa dạng về cách thức đào tạo nghề, NKT có thể lựa chọn mô hình học nghề tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng của mình.

Cơ sở chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm của chị Phạm Thị Dung, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) là một trong những cơ sở tiêu biểu hoạt động theo mô hình xen kép tại cộng đồng. Bản thân là NKT vận động bẩm sinh, đi lại khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm vươn lên, chị đã mở cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho rất nhiều NKT và phụ nữ nghèo. Nếu như trước đây, cơ sở của chị Dung chủ yếu dạy nghề may, đan làn, bóc hộp, lắp ráp bật lửa thì từ năm 2018 đến nay, cơ sở của chị chuyển sang dạy và tạo việc làm từ nghề gấp giấy tiền. Ngoài 10 NKT đến làm và học nghề, cơ sở của chị còn giúp hơn 10 lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ nghèo, bệnh tật có việc làm với thu nhập trung bình từ 20.000 - 40.000 đồng/người/ngày, tùy theo khả năng lao động của từng người. 

Chị Dung chia sẻ: Công việc gấp giấy tiền khá dễ làm. Những người đã cao tuổi vẫn có thể tham gia được. Thời gian tới tôi dự định sẽ dạy và phát triển thêm nghề đan bồng tại cơ sở để tạo thêm việc làm cho NKT và những người nghèo tại địa phương.

Không chỉ có cơ sở của chị Dung mà còn rất nhiều cơ sở, công ty do NKT làm chủ trên địa bàn tỉnh, hoạt động theo mô hình xen kép tại cộng đồng đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều NKT như: Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ xã Vũ Ninh (Kiến Xương) của anh Lại Văn Điệp, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ may mặc NKT xã Vũ Lễ (Kiến Xương) của anh Phạm Văn Đáp. Họ đều là những NKT tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều NKT có việc làm và thu nhập ổn định.

Cơ sở chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm của chị Phạm Thị Dung (thôn Cốc, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) phát huy hiệu quả, giúp nhiều người khuyết tật và người nghèo có thêm thu nhập.

Theo số liệu của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, tỷ lệ NKT có khả năng lao động trên địa bàn tỉnh chiếm trên 60%, trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm 40%. Xác định việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT không chỉ xuất phát từ tình yêu thương, sự đồng cảm mà còn mang tính trách nhiệm pháp lý, những năm qua, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và dạy nghề cho NKT. Đặc biệt là việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các huyện, thành phố để tạo vốn vay ưu đãi cho NKT với lãi suất thấp. Chuẩn hóa số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, trang bị đầy đủ kiến thức để họ có thể dạy và học nghề một cách an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, Hội còn tổ chức các hội thi tay nghề giỏi để NKT có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó tổ chức các hội nghị biểu dương những tấm gương NKT sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhờ đó, đã có hàng nghìn lượt người được học nghề, có thu nhập để cải thiện cuộc sống cho bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mặc dù đã huy động được nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT song công tác này vẫn còn một số khó khăn. Do Ngân hàng Chính sách xã hội không mở rộng được nguồn vốn cho vay mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng nên NKT cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm dẫn đến tỷ lệ NKT được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp. Một số doanh nghiệp thực hiện việc tuyển dụng lao động là NKT vẫn còn tâm lý e dè do nhiều NKT không đáp ứng được yêu cầu công việc cho nên việc dung hòa lợi ích giữa lao động NKT và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng NKT vào làm việc cũng còn nhiều tồn tại, khó khăn. Nhiều NKT còn tự ti, mặc cảm, ngại học nghề, làm nghề.

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT tuy không dễ nhưng không thể không làm. Chính vì thế, thời gian tới, Hội cùng với các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục chú trọng vào công tác nâng cao trình độ chuyên môn cho từng đối tượng NKT để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, Hội sẽ tích cực kêu gọi các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến NKT, huy động nguồn lực từ ngân sách các địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho những NKT có nhu cầu vay vốn, phát triển kinh tế.


Thu Trang

Đào Thúy Hiền - 1 năm trước

Cho em hỏi trường dạy nghề ở đâu ạ em là người khuyết tật

Đào Thúy Hiền - 2 năm trước

Nội dung em tên hiền em là người khuyết tật em muốn học nghề may để kiếm thêm thu nhập cho gia đình đỡ khổ Liên hệ với em qua số ĐT 0383593138

Tải thêm